Tổng Bí thư: Phát huy vai trò nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng trong xu thế số lượng nông dân làm nông nghiệp giảm và già hoá, lao động dư thừa ở các đô thị sẽ di chuyển về nông thôn tìm sinh kế từ nông nghiệp thì các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động ra sao để đủ sức đồng hành, giúp sức, hỗ trợ nông dân trong 5 năm tới, và xa hơn nữa trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh…
Ngày 26/12/2023, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 đã chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Đại hội còn có Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; Nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng…
NÔNG DÂN TA GIÀU THÌ NƯỚC TA GIÀU
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, cho biết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028 diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Vì vậy, đặt ra yêu cầu đối với các cấp Hội Nông dân Việt Nam phải tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; làm tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc và liên minh công nhân - nông dân - trí thức.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
“Tôi đã có không ít lần phát biểu: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong những kết quả và thành tích đó, có sự đóng góp rất quan trọng của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam qua các thời kỳ”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư nhận định trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, chịu nhiều tác động tiêu cực, nhất là khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, xung đột cục bộ giữa các nước, khủng hoảng kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19 xảy ra đã tác động lớn đến chuỗi sản xuất và phân phối trên phạm vi toàn cầu. Song, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, của giai cấp nông dân, sự đồng thuận của cả xã hội, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều cố gắng nỗ lực, cùng các cấp, các ngành góp phần đưa ngành Nông nghiệp và kinh tế nông thôn nước ta từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng ở mức khá cao, khá toàn diện với những kết quả rất ấn tượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh", đồng thời, Người khẳng định: "Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến, kiến quốc thành công… ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân...".
Tổng Bí thư nêu rõ: Tư tưởng của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, được Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đất nước ta. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: "Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn"; "cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh"; và xác định "nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới".
NÔNG DÂN CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY VÀ HÀNH ĐỘNG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề: Trong bối cảnh hiện nay, thì phát triển nền nông nghiệp sinh thái có những thuận lợi và khó khăn gì? Người nông dân cần có những thay đổi gì trong tư duy và hành động để thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới?
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Trong xu thế số lượng nông dân làm nông nghiệp giảm và già hoá, lao động dư thừa ở các đô thị, khu công nghiệp sẽ di chuyển về nông thôn tìm sinh kế từ nông nghiệp thì các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động ra sao để ngang tầm với nhiệm vụ; đủ sức đồng hành, giúp sức, hỗ trợ nông dân trong 5 năm tới, và xa hơn nữa trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, cùng cả nước hướng tới mục tiêu trở thành một nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045".
“Cần phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tăng cường dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tích cực hội nhập quốc tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Gợi mở những vấn đề nêu trên, Tổng Bí thư kêu gọi và đề nghị các cấp Hội Nông dân nước ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân cùng với sự phát triển của đất nước.
Trong đó, Tổng Bí thư đề nghị các cấp Hội cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sáng tạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ hội nông dân các cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là ở cơ sở.
Cùng với đó, các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn gắn với tuyên tuyền, vận động để đổi mới phương thức hoạt động; gắn công tác vận động với giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân.
Theo Tổng Bí thư, cần tăng cường tham gia đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho nông dân và lao động nông thôn; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh... Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, ứng dụng công nghệ số.
Đồng thời, các cấp Hội Nông dân phải tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao nhận thức, vận động, hướng dẫn nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, ứng dụng công nghệ số. Cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia giám sát và phản biện xã hội; tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, thực hiện công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức.