Tổng thống Pháp, Brazil “đấu khẩu” về cháy rừng Amazon
Tổng thống Brazil nói sẽ nhận viện trợ của G7 để chống cháy rừng Amazon, với điều kiện Tổng thống Pháp rút lại “những lời xúc phạm”
Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil ngày 27/8 nói rằng nước này có thể chấp nhận khoản viện trợ 22 triệu USD từ nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) để chống cháy rừng Amazon, với điều kiện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rút lại "những lời xúc phạm" liên quan.
"Ông Macron phải rút lại những lời xúc phạm nhằm vào tôi", hãng tin Reuters dẫn lời ông Bolsonaro. "Ông ấy đã gọi tôi là một kẻ dối trá. Trước khi chúng tôi nói chuyện hay nhận bất kỳ thứ gì từ nước Pháp, ông ấy phải rút lại những lời này".
Tuần trước, ông Macron dọa chặn một thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) với Brazil và các nước láng giềng với lý do ông Bolsanaro thiếu hành động trong việc chống lại trận cháy lịch sử đang xảy ra ở rừng nhiệt đới Amazon.
"Xét tới thái độ của Brazil trong mấy tuần qua, Tổng thống Pháp chỉ có thể kết luận rằng Tổng thống Bolsonaro đã nói dối với ông tại thượng đỉnh khối G20 ở Osaka", một tuyên bố của văn phòng ông Macron nói khi đó.
Ông Macron đã mạnh mẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để dập cháy rừng Amazon, sau khi những hình ảnh chụp từ vệ tinh vào tuần trước cho thấy "lá phổi xanh của Trái Đất" đang cháy với tốc độ kỷ lục. Các vụ cháy rừng Amazon ở Brazil từ đầu năm đến nay đã tăng 84% so với cùng kỳ 2018.
Trong khi đó, lãnh đạo Pháp và Brazil rơi vào một cuộc đấu khẩu sau những gì ông Macron nói về ông Bolsonaro.
Tuần trước, ông Bolsonaro nói ông Macron có "tư tưởng thực dân sai lầm". Hôm thứ Hai, ông Bolsonaro viết trên mạng xã hội Twitter rằng Brazil không thể chấp nhận "sự tấn công phi lý" của ông Macron nhằm vào Amazon, rằng "ý tưởng liên minh G7 cứu Amazon" xem Brazil chẳng khác gì một xứ thuộc địa.
Ông Macron ngày thứ Hai tuyên bố G7 - gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ - sẽ chi 22 triệu USD để hỗ trợ cuộc chiến chống cháy rừng Amazon. Tuy nhiên, Brazil đã từ chối đề nghị giúp đỡ này.
Chánh thư ký Onyx Lorenzoni của ông Bolsonaro cáo buộc ông Macron "đạo đức giả" trong lập trường về cháy rừng Amazon. "Xin cảm ơn, nhưng có lẽ số tiền này tốt hơn nên dùng để trồng lại rừng ở châu Âu", ông Lorenzoni nói. "Ông Macron thậm chí không thể ngăn được trận cháy đã được dự báo trước ở Nhà thờ Đức bà Paris, một di sản của thế giới, mà ông ta lại muốn dạy dỗ chúng tôi về đất nước của chúng tôi hay sao?"
Ông Lorenzoni cũng nói rằng Brazil có thể dạy "bất kỳ quốc gia nào" về cách bảo vệ rừng.
Ông Bolsonaro nói rằng lãnh đạo các quốc gia khác đã bày tỏ sự cảm thông với Brazil. Ông nói Tổng thống Ivan Duque của Colombia nhất trí với ông rằng các nước có rừng Amazon cần có một kế hoạch chung để chống lại cuộc khủng hoảng đang diễn ra để "đảm bảo chủ quyền và nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta".
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Ba lên tiếng bảo vệ ông Bolsonaro. Trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng Twitter, ông Trump nói ông biết rõ về Tổng thống Brazil.
"Ông ấy rất cố gắng trong vấn đề cháy rừng Amazon và trên tất cả mọi phương diện, ông ấy đang làm điều tuyệt vời cho nhân dân Brazil, một công việc không dễ dàng", ông Trump viết. "Ông ấy và đất nước của ông ấy có sự ủng hộ đầy đủ và hoàn toàn của nước Mỹ".
Ông Bolsonaro, người đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về chính sách môi trường, từng nói rằng khó ngăn tình trạng mất rừng bằng nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên, hôm thứ Bảy, ông tuyên bố sẽ triển khai quân đội tham gia công tác chống cháy rừng Amazon.
Rừng mưa nhiệt đới Amazon trải rộng trên lãnh thổ của các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Brazil, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname, và French Guiana. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), rừng Amazon chiếm một nửa diện tích rừng mưa nhiệt đới còn lại trên thế giới.