Tổng thống Trump phàn nàn về thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật
Cùng với đó, ông Trump cũng chỉ trích TPP và bảo vệ quyết định của ông về rút Mỹ khỏi thỏa thuận
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản ở Tokyo sáng 6/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump phàn nàn về việc Nhật có lợi thế không bình đẳng so với Mỹ trong thương mại. Cùng với đó, ông Trump cũng chỉ trích Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và bảo vệ quyết định của ông về rút Mỹ khỏi thỏa thuận.
"Trong nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản luôn thắng. Các bạn thực sự biết điều đó", hãng tin Bloomberg dẫn lời người đứng đầu Nhà Trắng trong ngày thứ hai chuyến thăm Nhật của ông. "Hiện tại, thương mại của chúng tôi với Nhật Bản là không bình đẳng và không cởi mở".
Tiếp đó, ông Trump nói rõ quan điểm của ông về việc Nhật Bản đã đối xử không bình đẳng thế nào với Mỹ trong thương mại. Ông nói hầu như không có xe hơi Mỹ được bán ở thị trường Nhật, đồng thời kêu gọi các hãng xe hơi Nhật mở rộng sản xuất tại Mỹ.
"Cố sản xuất thêm xe của các bạn ở Mỹ, thay vì chỉ chở tới đó để bán. Đó không phải là một việc quá khó phải không", Tổng thống Mỹ nói. "Đề nghị như thế có phải là lỗ mãng không?"
Thâm hụt thương mại hàng năm giữa Nhật với Mỹ hiện ở mức khoảng 69 tỷ USD, chỉ thua thâm hụt thương mại của Nhật với Trung Quốc. Khoản thâm hụt này chủ yếu do nhập khẩu xe hơi và hàng điện tử từ Nhật vào Mỹ.
Nhà Trắng trước nay vẫn bày tỏ mong muốn các công ty Nhật đến làm ăn nhiều hơn ở Mỹ, sử dụng thêm nhiều lao động Mỹ. Hiện tại, các công ty Nhật sử dụng khoảng 850.000 lao động Mỹ, một con số mà ông Trump muốn sẽ tăng thêm. Các hãng xe hàng đầu của Nhật như Toyota và Honda đều có những nhà máy lớn đặt ở Mỹ.
Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ trong việc thu hút công ty Nhật có thể bị cản trở bởi việc ông Trump rút Mỹ khỏi TPP hồi tháng 1 năm nay. Trái với sự rút lui của Mỹ, Nhật đang dẫn đầu những nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận TPP với sự tham gia của 11 nền kinh tế còn lại. Nhật cũng đã bày tỏ mong muốn đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương với Mỹ, hoặc thuyết phục ông Trump đưa Mỹ quay trở lại TPP.
Tuy nhiên, việc Mỹ trở lại TPP là điều khó xảy ra, xét tới việc ông Trump bảo vệ việc ông rút khỏi thỏa thuận này.
"TPP không phải là một ý tưởng đúng đắn. Tôi tin chắc một vài người trong số các bạn ở đây không đồng ý, nhưng cuối cùng tôi sẽ chứng minh được tôi đúng", ông Trump nói với các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật.
Tổng thống Mỹ nói ông muốn nới lỏng các hạn chế thương mại theo một cách khác, bên ngoài khuôn khổ TPP, nhưng không nói chi tiết mà chỉ nói rằng cá nhân ông có quyền thúc đẩy các thỏa thuận kinh doanh bị trì hoãn trước đây.
Ông Trump lấy dẫn chứng là hai đường ống dẫn dầu Keystone và Dakota - hai dự án bị trì hoãn dưới thời Tổng thống Barack Obama. "Trong tuần đầu tiên [làm Tổng thống], tôi đã thông qua cả hai", ông nói.
Ông Trump cũng nói rằng mình là người có công giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm kỷ lục và thêm 2 triệu người lao động Mỹ có việc làm. "Tôi đã nới lỏng các quy chế giám sát", ông nhấn mạnh.
Sau cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật, ông Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để bàn về tiến trình đối thoại kinh tế Mỹ-Nhật, cuộc đối thoại chủ trì bởi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Phó thủ tướng Nhật Taro Aso.
Đây là cuộc đối thoại chủ yếu tập trung giải quyết bất đồng giữa hai nước về tiền tệ và thương mại. Trong đó, Mỹ muốn Nhật hạ hàng rào thuế quan đối với hàng nông sản và dỡ các hạn chế đối với xe hơi Mỹ tại thị trường Nhật. Ngoài ra, các nhà đàm phán Mỹ cũng muốn Nhật dỡ bỏ cơ chế tự vệ đối với nhập khẩu thịt bò đông lạnh từ Mỹ - cơ chế khiến thuế quan đối với mặt hàng này tăng lên 50% từ 38,5% trước đó.
Sau khi thăm Nhật, ông Trump sẽ đến Hàn Quốc và Trung Quốc. Tiếp đó, ông sẽ đến Việt Nam dự thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới (APEC) và có chuyến thăm cấp nhà nước. Chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày của ông Trump, bắt đầu từ hôm thứ Sáu tuần trước, sẽ khép lại khi ông thăm Philipines.