16:27 23/08/2023

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch huyện Cần Giờ

Thi Nguyễn

TP.HCM thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển ngành du lịch huyện Cần Giờ với nhiệm vụ đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách về phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện Cần Giờ…

Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có diện tích gần 35.000 ha rừng ngập mặn với hệ sinh thái phong phú, đa dạng - Ảnh minh họa
Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có diện tích gần 35.000 ha rừng ngập mặn với hệ sinh thái phong phú, đa dạng - Ảnh minh họa

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển ngành du lịch huyện Cần Giờ (Ban Chỉ đạo).

Theo đó, Ban Chỉ đạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ làm Phó Trưởng ban Thường trực; Phó Giám đốc Sở Du lịch Bùi Thị Ngọc Hiếu và Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Võ Trọng Nam làm Phó Trưởng ban. Ban Chỉ đạo còn có 18 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành thành phố và huyện Cần Giờ.

Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 31 thành viên do bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch làm Tổ trưởng.

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo Phát triển ngành du lịch huyện Cần Giờ có nhiệm vụ chỉ đạo việc phối hợp hoạt động và kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình phát triển du lịch trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đồng thời, tham mưu, đề xuất giải quyết những vướng mắc liên quan chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển du lịch vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ.

Bên cạnh đó, tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp, cơ chế, chính sách về phát triển du lịch trên địa bàn thành phố và tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho ngành du lịch huyện Cần Giờ.

Ban Chỉ đạo cũng sẽ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình cụ thể và phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh ngành du lịch huyện Cần Giờ phù hợp với các nghị quyết, kế hoạch, chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố

Quyết định nêu rõ, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo quy chế hoạt động, chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ các cuộc họp và hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Song song với việc thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển ngành du lịch huyện Cần Giờ, vừa qua Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar (vùng lõi và vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ).

Theo hồ sơ báo cáo sơ bộ, rừng phòng hộ huyện Cần Giờ đáp ứng 4/8 tiêu chí đề cử khu Ramsar. Với diện tích gần 35.000 ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có các hệ sinh thái phong phú, đa dạng.

Rừng phòng hộ Cần Giờ là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động thực vật hoang dã có giá trị kinh tế, khoa học; đóng góp nhiều giá trị to lớn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống dân cư địa phương cũng như vùng lân cận.

Vùng đất ngập nước Cần Giờ còn gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn được phục hồi sau chiến tranh và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam.

Việc công nhận rừng phòng hộ Cần Giờ là khu Ramsar sẽ tạo uy tín cho TP.HCM, mở rộng các quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về quản lý có hiệu quả đất ngập nước.

Mặt khác, sẽ giúp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế. Tiếp cận được nhiều thông tin phục vụ cho việc quản lý và sử dụng bền vững đất ngập nước góp phần phát triển kinh tế xã hội.

 

Công ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý đất ngập nước và các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước. Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được ban thư ký Công ước Ramsar công nhận. Hiện tại Việt Nam có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới.

Theo kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar.