08:52 04/06/2018

Trả lời kiến nghị cử tri: Bộ Nội vụ "điển hình" lạc đề

Nguyên Vũ

Xuất hiện đậm nét trong phần nêu những hạn chế trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri là Bộ Nội vụ

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo trước phiên chất vấn.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo trước phiên chất vấn.

Sáng 4/6, trước khi tiến hành chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ, Quốc hội đã nghe báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 Quốc hội do bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện trình bày.

Ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan liên quan, mặt khác, báo cáo cũng nhận định rằng chất lượng trả lời một số kiến nghị còn bất cập và dẫn chứng cụ thể một số văn bản trả lời chung chung, diễn giải nhiều, nhưng lại không đủ thông tin để giải đáp cho cử tri, thậm chí "lạc đề".

Từ hồi âm của 59 đoàn đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết: "tất cả các ý kiến nhận xét đều cho rằng đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, bảo đảm kịp thời, đầy đủ.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, cùng với việc trả lời kiến nghị cử tri còn cung cấp thêm số điện thoại nóng (ngay trong văn bản trả lời cử tri) để kịp thời tiếp nhận, xử lý những vấn đề vướng mắc mà cử tri kiến nghị.

Báo cáo nêu rõ, "nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị, phản ánh của của cử tri đã góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc mà người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp phải, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh, góp phần tích cực vào những kết quả chung trong tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua, được cử tri ghi nhận".

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, chất lượng trả lời một số kiến nghị còn bất cập và không khó để dẫn chứng cụ thể một số văn bản trả lời chung chung, diễn giải nhiều, nhưng lại không đủ thông tin để giải đáp cho cử tri, thậm chí "lạc đề".

"Cử tri hỏi về chế độ cán bộ công tác tại các thôn không đặc biệt khó khăn nhưng nằm trên xã đặc biệt khó khăn, có được hưởng chế độ không? Nhưng Bộ Nội vụ lại trả lời về cán bộ công tác tại các thôn đặc biệt khó khăn thì được hưởng chính sách. Trả lời của Bộ là chưa đúng với nội dung câu hỏi", báo cáo nêu địa chỉ cụ thể.

Và, theo phản ánh của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, ngay sau khi nhận được văn bản trả lời, cử tri kiến nghị Bộ cần giải quyết, trả lời cụ thể, rõ ràng, thấu đáo hơn".

Vẫn là trách nhiệm của Bộ Nội vụ, cử tri tỉnh Lai Châu phản ánh gặp vướng mắc trong việc công nhận kết quả biểu quyết khi có ý kiến khác nhau của thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã (chỉ có 2 người là chủ tịch và phó chủ tịch). Trả lời của Bộ Nội vụ như sau: "Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiến hành tổng hợp tình hình thực hiện, xin tiếp thu chờ sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương".

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận xét : "Trả lời của Bộ Nội vụ là không sai, tuy nhiên, những vướng mắc mà cử tri nêu là thực tế, rất cụ thể, lại chưa được Bộ nghiên cứu thấu đáo để tìm cách tháo gỡ. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung thì việc công nhận kết quả cần phải được cấp có thẩm quyền hướng dẫn. Đề nghị Bộ khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của thường trực hội đồng nhân dân cấp xã".

Vẫn là Bộ Nội vụ bị "phê bình" khi cử tri tỉnh Nghệ An và một số tỉnh khác phản ánh, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì các ban của hội đồng nhân dân không được sử dụng con dấu, nhưng trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của luật thì các ban này cần phải sử dụng con dấu trong một số hoạt động.

Bộ Nội vụ trả lời: "nếu cần phải đóng dấu văn bản thì ban hội đồng nhân dân báo cáo thường trực hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc sử dụng con dấu của hội đồng nhân dân cấp đó" .

Theo cơ quan giám sát, việc sử dụng con dấu là đặc biệt quan trọng do vậy cần phải quy định hết sức chặt chẽ. Cụ thể tại khoản 6 điều 6, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu đã quy định: "cấm mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp con dấu, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động". Và hiện cũng chưa có văn bản nào quy định hội đồng nhân dân cấp xã được phép cho ban của hội đồng nhân dân được sử dụng con dấu của mình. Vì vậy, trả lời của Bộ Nội vụ về việc sử dụng con dấu trong trường hợp "nếu cần" mà không nêu rõ cụ thể "nếu cần" bao gồm những trường hợp nào sẽ có khả năng dẫn tới việc sử dụng con dấu cả trong những trường hợp chưa thực sự cần thiết.

"Mặt khác, trả lời của Bộ Nội vụ như vậy còn chưa phù hợp với nghị định 99 của Chính phủ", báo cáo nêu rõ.