11:52 09/03/2007

Trái phiếu Việt Nam hấp dẫn nước ngoài

Kiều Oanh

Theo dữ liệu do J.P. Morgan Chase cung cấp, năm ngoái, trái phiếu bằng USD của Chính phủ Việt Nam đem lại mức lợi nhuận 9,6%

Một biển chỉ đường tại phố Wall (New York, Mỹ) - trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Tháng 10/2005, lần đầu tiên trái phiếu của Chính phủ Việt Nam đã được phát hành ra thị trường quốc tế - Ảnh: Reuters.
Một biển chỉ đường tại phố Wall (New York, Mỹ) - trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Tháng 10/2005, lần đầu tiên trái phiếu của Chính phủ Việt Nam đã được phát hành ra thị trường quốc tế - Ảnh: Reuters.
Hãng tin kinh tế uy tín Bloomberg ngày 5/3 mới đây đã có bài viết đáng chú ý về thị trường nợ tại Việt Nam. VnEconomy xin giới thiệu bản lược dịch bài viết này.

Việt Nam - một trong những thị trường nợ hoạt động tốt nhất ở châu Á - trong năm nay đang thu hút nhiều quỹ trái phiếu nước ngoài. Điều này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cao xếp hạng tín dụng.

Công ty Fortis Investments thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất của Bỉ, Fortis, đang mua thêm nhiều trái phiếu bằng đồng Việt Nam. Công ty Oppenheim thuộc ngân hàng tư nhân lớn nhất châu Âu cũng có kế hoạch mua trái phiếu phát hành bằng đôla Mỹ của Chính phủ Việt Nam trong lần phát hành thứ 2 sắp tới.

Các nhà đầu tư được khuyến khích bởi dự báo của Chính phủ Việt Nam về việc nước này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trên 7% trong năm thứ 6 liên tiếp. Mặt khác, Việt Nam cũng đã chính thức gia nhập WTO vào đầu năm nay.

Việt Nam đang thu hút nhiều đầu tư đến nỗi cần phải kiềm chế sự “phát triển quá nhanh” của thị trường trái phiếu và chứng khoán. Các nhà phân tích của Credit Suisse Group đã đưa ra nhận định như vậy trong một báo cáo gần đây.

Carmen Daub, chuyên gia về thị trường nợ của Oppenheim dự báo xếp hạng tín dụng của Việt Nam sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, đồng thời Việt Nam sẽ được lợi từ Trung Quốc cũng như tăng trưởng trong khu vực.

Mức chênh lệch lợi nhuận so với trái phiếu cùng kỳ hạn của Chính phủ Mỹ mà các nhà đầu tư kỳ vọng khi mua trái phiếu có lãi suất 6,875% của Việt Nam, đáo hạn vào năm 2016 hiện đã giảm xuống còn 1,32% từ mức 2,56% vào thời điểm Chính phủ Việt Nam phát hành vào tháng 10/2005.

Chỉ riêng trong tuần trước, mức chênh lệch này giảm tới 0,17% do sự suy giảm của các thị trường chứng khoán từ Trung Quốc đến Brazil. Các nhà đầu tư cho biết họ bị hấp dẫn bởi những dự báo về lợi nhuận từ trái phiếu của Việt Nam.

Theo dữ liệu do J.P. Morgan Chase cung cấp, năm ngoái, trái phiếu bằng USD của Chính phủ Việt Nam đem lại mức lợi nhuận 9,6%. Mức lợi nhuận của trái phiếu bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn 10 năm đã giảm 0,45% xuống còn 8,35% trong năm nay. Trong số 11 thị trường năng động nhất của châu Á, chỉ có Thái Lan là có mức giảm lợi nhuận trái phiếu lớn hơn Việt nam.

Mức tăng trưởng lợi nhuận của trái phiếu bằng đồng Việt Nam cũng là kết quả của việc đồng Việt Nam tăng giá 0,25% trong tháng 12/2006, mức tăng hàng tháng lớn nhất trong vòng 11 năm qua.

Theo Didier Lambert, chuyên gia về chứng khoán của các thị trường đang lên của Fortis, chênh lệch lợi nhuận của trái phiếu bằng USD của Việt Nam so với trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể sẽ giảm 0,2% trong năm nay. Giả sử mức lợi nhuận của trái phiếu Chính phủ Mỹ không thay đổi, trái phiếu của Chính phủ Việt Nam sẽ đem lại mức lợi nhuận là 6,2%.

Mức lợi nhuận của trái phiếu bằng USD của Việt Nam hiện nay thấp hơn 0,25% so với trái phiếu có cùng mức lãi suất của Indonesia, 0,87% so với trái phiếu của Pakistan và 0,91% so với trái phiếu của Thổ Nhĩ Kỳ. Mức lợi nhuận thấp hơn này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ coi trái phiếu của Việt Nam chứa ít rủi ro hơn.

Theo IMF, tài khoản vãng lai của Việt Nam đạt thặng dư trong năm 2005 sau 4 năm thâm hụt.

Các quan chức Chính phủ Việt Nam cho biết họ rất lạc quan rằng nước này sẽ đạt được chỉ số xếp hạng tín dụng cao hơn khi thương mại được mở rộng. Standard&Poor’s trong tháng 9 năm ngoái đã nâng mức xếp hạng tín dụng ngoại tệ dài hạn của Việt Nam thêm 1 bậc lên hạng BB, 2 hạng thấp hơn so với hạng đầu tư.

Năm ngoái, vốn FDI cam kết đổ vào Việt Nam tăng 49% lên 10,2 tỷ USD đồng thời, dự trữ tiền tệ của Việt Nam tăng lên 11,5 tỷ USD. Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng tới 52% trong năm nay, mức tăng cao nhất trên thế giới.

Ông Nguyễn Thành Đô, Vụ trưởng vụ Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính Việt Nói: “Chúng tôi rất hy vọng sẽ được nâng chỉ số xếp hạng tín dụng trong năm nay”.

Ông cho biết, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa xác định lượng trái phiếu bằng USD sẽ phát hành trong năm nay. Tờ Đầu tư của Việt nam tháng trước cho biết có thể Việt Nam có thể phát hành lượng trái phiếu trị giá 1 tỷ USD trong đợt này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự báo Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,2% trong năm nay khi mà nhiều công ty lớn đã tiến hành đầu tư tại đây như Intel, hãng sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới và Posco, hãng sản xuất thép lớn nhất của Hàn Quốc. Chính phủ Việt Nam dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức 8,5% trong năm nay.

Báo cáo đưa ra tháng trước, J.P. Morgan Chase và Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand cho rằng có thể Việt Nam sẽ tìm cách kiềm chế lượng tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào để có thể giảm áp lực tăng giá đối với đồng Việt nam.

Thái Lan đã thực hiện biện pháp nhằm kiềm chế sự tăng giá đồng bath bằng cách đưa ra thông báo vào tháng 10 năm ngoái rằng nước này sẽ phạt những nhà đầu tư cố gắng rút cổ phiếu hoặc trái phiếu trong thời gian dưới 1 năm sau khi mua các tài sản này. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó, quy định này không áp dụng đối với cổ phiếu nữa sau khi thị trường chứng khoán suy giảm. Thái Lan cũng dự định sẽ loại bỏ hoàn toàn quy định này vào này 15/3 tới.

Theo Lambert, một quan chức của Fortis, Chính phủ Việt Nam có thể sẽ bất ngờ chấm dứt việc áp dụng những hình phạt tương tự đã khiến các nhà đầu tư tẩy chay thị trường nợ Thái Lan vào tháng 12 năm ngoái.

Ông cũng nói thêm: “Việt Nam không bắt buộc phải đi theo con đường của Thái Lan mà có thể áp dụng các biện pháp điều chỉnh khác”.