10:02 15/05/2007

Tràn lan gas giả

Minh Quang

Gas giả đang tràn lan trên thị trường, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, nhưng ngay cả các cơ quan chức năng cũng "lực bất tòng tâm"

Gas giả đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến số vụ cháy nổ gia tăng ở Tp.HCM.
Gas giả đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến số vụ cháy nổ gia tăng ở Tp.HCM.

Cũng giống như xăng dầu, gas được xem là ngành kinh doanh thuộc loại siêu lợi nhuận. Không vì thế thì không có nhiều công ty, cơ sở kinh doanh gas giả xuất hiện tràn lan, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Mặc dù thấy gas giả nhưng các công ty kinh doanh không làm gì được, ngay cả các cơ quan chức năng cũng “lực bất tòng tâm”.

Gas hay còn gọi là khí hóa lỏng (LPG) khá nhẹ nhưng nó có sức hút khá mạnh đối với các nhà đầu tư vì lợi nhuận mà nó mang lại không tỷ lệ với trọng lượng của chất khí bên trong mà chính là cái vỏ bình bên ngoài. Và đây cũng chính là đối tượng gian lận được các công ty kinh doanh kêu ca nhiều nhất hiện nay và gọi đó là hành vi gian lận thương mại. Gas giả không phải là khí gas giả mà là bình gas bị làm giả.

Kinh doanh gas giả ngày càng “nở rộ”

Theo các công ty kinh doanh gas thật, những hình thức gian lận thương mại phổ biến là chiếm dụng vỏ bình của các hãng khác tái chế thành vỏ của mình. Các cơ sở kinh doanh gas giả cắt tay xách, mài mòn logo, xóa số sê ri đăng ký lưu hành trên bình thật, sau đó gắn niêm, tem giả trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Số liệu của Chi cục Quản lý Thị trường Tp.HCM cho biết trong năm 2006 cơ quan này đã phát hiện trên 5.373 bình gas được sang chiết trái phép theo cách trên. Quý 1 năm nay, cơ quan này phát hiện số lượng bình giả bằng 40% của cả năm ngoái, tức 2.357 bình.

Tham gia thị trường gas non trẻ Việt Nam chỉ có hơn 70 công ty kinh doanh, thế nhưng có hơn con số này là những công ty chuyên sản xuất gas giả chỉ tính riêng ở khu vực phía Nam. Theo các chi cục quản lý thị trường ở khu vực này, trong vòng 8 năm qua có 74 cơ sở, công ty kinh doanh gas trái phép bị phát hiện và xử lý. Thế nhưng số lượng làm gas không giảm đi mà phát triển nhiều hơn.

Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó tổng giám đốc Công ty dầu khí Tp.HCM (Saigon Petro), cho biết, Saigon Petro hàng năm đưa ra thị trường khoảng 100.000-200.000 bình gas mang nhãn hiệu của công ty. Tính chung cho đến nay, Saigon Petro đưa ra trên thị trường khoảng 1 triệu bình.

“Tuy nhiên, số bình quay trở về với công ty chỉ đạt khoảng 80%, 20% còn lại không quay về. Điều này cho thấy, số bình của chúng tôi đã bị chiếm dụng để sang chiết trái phép và bản thân công ty chúng tôi cũng đã phát hiện nhiều cửa hàng sang chiết gas giả”, bà Mẫn nói.

Thiệt hại cho nhà sản xuất và người tiêu dùng

Chính những cơ sở sang chiết gas luôn kín cổng cao rào như câu chuyện của ông Giám đốc Trung tâm an toàn công nghiệp 2 kể mà hầu như các cơ quan chức năng không làm gì được. Ông Nguyễn Văn Bán, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết lực lượng quản lý thị trường khó xâm nhập vào những cơ sở sang chiết gas lậu để bắt quả tang. Hầu hết đều đóng cửa kín mít và thường các cơ sở làm vào ban đêm.

Lực lượng quản lý thị trường không thể xâm nhập nếu như không có lệnh của chủ tịch tỉnh hoặc không thể dừng xe chở gas trên đường, điều mà chỉ có cảnh sát giao thông mới được phép. “Thêm vào đó khi phát hiện thì các chủ cơ sở luôn đổ lỗi cho tài xế xe tải. Chính vì vậy mà chúng tôi rất khó bắt. Thấy trước mắt vậy mà không bắt được”, ông Bán phát biểu.

Gas giả tạo ra những hậu quả cho không chỉ doanh nghiệp mà còn cho người tiêu dùng và xã hội. Ông Vũ Văn Bổn, Phó trưởng phòng Kiểm tra thuộc Sở Phòng cháy chữa cháy Tp.HCM cho biết, hàng trăm vụ cháy xảy ra trên địa bàn mà nguyên nhân chính là do gas. Theo ông, sang chiết gas trái phép vì mục đích thương mại cũng như tự sử dụng làm gia tăng tỷ lệ cháy nổ ở Tp.HCM.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân vận chuyển gas không đúng qui cách gây ra cháy nổ mà phần nhiều do sợ và trốn tránh cơ quan kiểm tra. Rất nhiều vụ cháy nổ có tính chất nghiêm trọng đã xảy ra ngày càng nhiều hơn trong thời gian qua, gây ra những vụ án mạng hàng loạt ở Kiên Giang, Lâm Đồng, Nghệ An, Tp.HCM....

Thiệt hại đối với người tiêu dùng không chỉ là tính mạng. Ông Nguyễn Sĩ Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gas miền Nam Petrolimex, cho biết thêm, thiệt hại về tiền bạc đối với người dùng, bên cạnh tổn thất đối với các công ty kinh doanh có gas bị làm giả. Ông khẳng định, hầu hết những bình gas giả đều không đủ số lượng, chuyện thiếu 1-2 kg mỗi bình gas là bình thường.

Theo tính toán của ông, trung bình một bình gas giả người tiêu dùng bị thiệt khoảng 30.000 đồng và nhờ đó các cơ sở công ty kinh doanh gas giả thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm. Tổng số bình gas được các công ty kinh doanh đưa ra khoảng 6-7 triệu bình, nhưng tỷ lệ bị chiếm dụng khoảng 20-30% mà phần lớn được dùng cho việc làm gas giả.

Chuyện gas giả tràn lan hiện nay không chỉ khó giải quyết đối với các công ty kinh doanh gas được phép mà còn cả đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Bán của Bình Dương nói rằng hình thức xử phạt quá nhẹ tay đối với những cơ sở kinh doanh trái phép, chỉ vài chục triệu đồng khi bị phát hiện không đáng với lợi nhuận thu được hàng năm của các cơ sở này. Chính vì vậy mà có hiện tượng tái phạm nhiều lần đối với một cơ sở.

Tăng mức xử phạt là đề xuất của ông Bán, trong khi đó bà Mẫn của Saigon Petro cho rằng các cửa hàng kinh doanh và người tiêu dùng cũng góp phần vào chuyện gas giả. Các cửa hàng thỏa hiệp với cơ sở kinh doanh giả để tiêu thụ, miễn họ được hưởng phần trăm cao. Trong khi người tiêu dùng thì không phân biệt được gas chính hãng hay giả và hầu hết mọi người chọn phần lớn là vì giá rẻ, chưa chú ý nhiều đến vấn đề an toàn, bảo đảm kỹ thuật của bình hay van gas.

Kể từ sau khi Nhà máy Dinh Cố cung cấp gas cho thị trường, việc cung ứng gas được thông thoáng hơn. Và chính điều này đã tạo điều kiện để các công ty, cơ sở có thể có nguồn gas sang chiết trái phép.