Trao giải cuộc thi Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024
Cuộc thi “Startup Xanh” đã thu hút mạnh mẽ nhiều đối tượng tham gia, từ học sinh, sinh viên, đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, với gần 80 hồ sơ tham dự sau 01 tháng phát động...
Theo Khảo sát các nhà đầu tư của mạng lưới kiểm toán toàn cầu PwC, hơn 75% nhà đầu tư khẳng định đang cân nhắc về tiềm năng hoặc ra quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp tập trung vào tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Trong đó, các doanh nghiệp xanh và start-up xanh là trọng tâm, xu hướng ưu tiên của các nhà đầu tư.
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG HƯỚNG TỚI NET ZERO 2050
Nhằm mục đích nâng cao nhận thức, khuyến khích, thúc đẩy và tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với quy mô trên toàn quốc, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy – Vietnam Economic Times cùng các cơ quan đã tổ chức Cuộc thi Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024. Đây cũng là hoạt động phối hợp quan trọng giữa hai đơn vị trong việc triển khai “Chương trình hành động hướng tới Net Zero 2050”.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng, sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp đột phá thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, cuộc thi còn tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, kết nối các startup với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ sự phát triển bền vững của các dự án.
Đối tượng của cuộc thi bao gồm tất cả các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc có các ý tưởng, sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo, sáng kiến công nghệ, giải pháp và mô hình kinh doanh nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Gần 80 hồ sơ đăng ký tham dự đến từ 22 địa phương trên cả nước đã đủ điều kiện xét giải thưởng. Trong đó, 20 hồ sơ thuộc nhóm học sinh THPT, 08 hồ sơ thuộc nhóm sinh viên, 13 hồ sơ thuộc nhóm đoàn viên, thanh niên, 13 hồ sơ thuộc nhóm, cá nhân (07 cá nhân, 06 nhóm), 06 hồ sơ thuộc Các cơ quan nhà nước, hợp tác xã, và 15 hồ sơ thuộc Nhóm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Sau hai vòng sơ khảo và chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, đánh giá kết quả và thống nhất lựa chọn ra các tác phẩm, hồ sơ xuất sắc nhất với 2 giải nhất, 2 giải nhì, 6 giải ba và 8 giải khuyến khích.
Lễ trao giải Cuộc thi "Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024" đã diễn ra tại tầng 11, Trung tâm BMC, Tòa V.E.T Building, 98 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội vào ngày 17/12 vừa qua.
Hai Dự án đạt giải Nhất cuộc thi Startup Xanh năm 2024 được đánh giá cao vì đã đem đến các giải pháp sáng tạo, tái chế các phế phẩm thành những sản phẩm hữu ích. Cụ thể, đó là Dự án “Thu gom - tái chế vỏ hộp sữa thành sản phẩm thương mại” của Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam tập trung tái chế vỏ hộp sữa thành đồ gia dụng và vật liệu xây dựng, giảm thiểu rác thải và Dự án “NetZero Pallet - Pallet làm từ phế phẩm nông nghiệp” của tác giả Lê Thanh thuộc Công ty Cổ phần Veritas Việt Nam, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất pallet bền vững, góp phần giảm phát thải carbon và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
2 giải nhì được trao cho Dự án: “eWIND - Giải pháp toàn diện kết hợp điện gió, điện mặt trời và điều hòa không khí” và Dự án: “Dự án NZC GREEN TED”.
MỖI Ý TƯỞNG, MỖI DỰ ÁN LÀ MỘT PHẦN SỨ MỆNH LỚN LAO BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, cho biết sự kiện này không chỉ là một dịp để vinh danh những ý tưởng sáng tạo mà còn là một biểu tượng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng trong việc tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế bền vững.
“Cuộc thi “Startup Xanh” đã cho thấy sự thu hút mạnh mẽ khi nhận được gần 80 hồ sơ tham dự sau 01 tháng phát động của nhiều đối tượng khác nhau, từ học sinh, sinh viên, đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp”, ông Vũ Minh Lý nói. “Sự đa dạng này không chỉ thể hiện sức sáng tạo của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn phản ánh nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường”.
Theo thông tin được ban tổ chức công bố, các hồ sơ tham dự đến từ nhiều lĩnh vực, như các dự án Ứng dụng Công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; Các dự án về tái chế nhựa, tái sử dụng các chất thải, phế phẩm nông nghiệp; Các dự án sản xuất các sản phẩm hữu cơ, sinh khối, phân bón sinh học; Các dự án nông trại hữu cơ, sản xuất các sản phẩm xanh, sinh thái…
“Chúng ta cũng cần ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực của tất cả các tác giả khác, những người không ngừng tìm kiếm giải pháp cho những thách thức mà xã hội đang phải đối mặt. Mỗi ý tưởng, mỗi dự án không chỉ đơn thuần là công việc kinh doanh mà còn là một phần của sứ mệnh lớn lao trong công cuộc bảo vệ môi trường sống của chúng ta”, lãnh đạo Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường nói.
6 giải ba được trao cho các Dự án: Dự án: “Natlife - Chất liệu bền vững Repoly”; Dự án: “Chế tạo màng nhựa sinh học thân thiện với môi trường từ bã cafe và tinh bột sắn Việt Nam”; Dự án: “Dự án Than sạch từ gáo dừa”; Dự án: “HTX Nông nghiệp xanh Gò Nổi với mô hình kinh tế xanh”; Dự án: “Ca Organic Farm - Trang trại nông nghiệp xanh tuần hoàn hữu cơ - Kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm”; Dự án: “Mô hình trồng cỏ voi sản xuất nén sinh khối Biomass - nguồn năng lượng xanh, sạch cho tương lai bền vững”
8 giải Khuyến khích bao gồm: Dự án “Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm", Dự án: “Máy đọc chỉ số thông minh: nước, điện, gas, khí”; Dự án: “Chế tạo gạch siêu nhẹ phù hợp với vùng ven biển và khu vực chịu tác động của Biến đổi khí hậu”; Dự án: “Xe rác trợ lực điện nhãn hiệu CyanDuck”; Dự án: “Hệ thống tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ Internet of Things giám sát hệ thống”; Dự án: “Tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ 1 lần cho lúa thay thế hoàn toàn cho phân bón hóa học”; Dự án: “VCBi (Vĩnh Châu - Biofertilizer): Phân bón sinh học Vĩnh Châu”; Dự án: “Sản xuất Trà Kombucha từ cây Trà Hoa vàng Ba Chẽ, phát huy giá trị dược liệu quý của địa phương”.