09:35 03/03/2009

Triển vọng kinh doanh 2009: Cảm nhận từ một cuộc bình chọn

Anh Quân

Những bi quan sâu sắc về triển vọng kinh doanh năm 2009 đã được cải thiện ít nhiều trong một tháng qua

Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ngày 23/2, sau loạt thông tin về việc Việt Nam xuất siêu trong tháng 1/2009, dòng sản phẩm xăng dầu “Made in Vietnam” đầu tiên… được đăng tải trên VnEconomy, tỷ lệ bình chọn đã có vài thay đổi nghiêng về phía nhìn nhận lạc quan hơn - Ảnh: Reuters.
Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ngày 23/2, sau loạt thông tin về việc Việt Nam xuất siêu trong tháng 1/2009, dòng sản phẩm xăng dầu “Made in Vietnam” đầu tiên… được đăng tải trên VnEconomy, tỷ lệ bình chọn đã có vài thay đổi nghiêng về phía nhìn nhận lạc quan hơn - Ảnh: Reuters.
Sau những dấu hiệu xấu của suy giảm được công bố trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 1/2009, triển vọng kinh tế năm 2009 dường như trở nên bi quan hơn.

Xuất khẩu giảm xuống dưới ngưỡng 4 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đạt 185 triệu USD, tiêu dùng tăng chậm lại và sản xuất công nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, càng “tô đậm” hơn nỗi lo mất việc và phá sản doanh nghiệp.

Trong trọn tháng 2/2009, VnEconomy đã thực hiện cuộc bình chọn về triển vọng doanh nghiệp trong năm 2009.

Số liệu đầu tiên được thu nhận tại thời điểm 8 giờ 30 phút sáng 16/2, sau nửa tháng lấy ý kiến bình chọn của độc giả. Trong 1.525 lượt ý kiến bình chọn cho 5 mức độ từ bi quan đến lạc quan nhất, “điểm số” cao thuộc về nhận định “Sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng hy vọng vẫn vượt qua”. Nhận định mang tính “trung dung” này thu được 650 ý kiến, bằng 31%.

Với phần còn lại, phía lạc quan chỉ nhận được 32% ý kiến. Cụ thể, nhận định “Nhiều khả năng vẫn tiếp tục phát triển tốt” đã “chiếm” được 292 lượt bình chọn, bằng 14%, trong khi đánh giá “Vẫn có thể duy trì tăng trưởng, nhưng ở mức thấp hơn năm ngoái” nhận 378 lượt bình chọn, bằng 18%.

Trong khi đó, cảm nhận bi quan đã “lấn át”, chiếm tới 37%, làm lệch cán cân về phía này. Cụ thể, nhận định “Có thể phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh trong một thời gian” nhận được 205 ý kiến, bằng 10%; “Có nguy cơ phá sản” nhận được 546 ý kiến, bằng 27%.

Tâm lý bất định khiến cảm nhận về triển vọng kinh doanh liên tục cho thấy sự giằng co giữa bi quan và lạc quan trong phần còn lại của tháng 2/2009.

Ở mốc số liệu kế tiếp được thu thập vào 3 ngày sau đó, thông tin về điện, xăng sẽ tăng giá đã “áp đảo” việc nguồn vốn kích cầu bắt đầu đến được với doanh nghiệp. Kết quả là nhận định về triển vọng kinh doanh năm 2009 lại nghiêng về phía mức bi quan nhất. “Có nguy cơ phá sản” đã tăng lên 28%, lấy đi 1% ý kiến của “Có thể phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh trong một thời gian”.

Chỉ trong 3 ngày đó, đã có thêm gần 1.000 lượt ý kiến bình chọn, đưa tổng số đến thời điểm ngày 19/2 đã đạt 2.496 lượt. Ngoài thay đổi tại hai nhóm nói trên, các nhóm còn lại vẫn duy trì tỷ lệ như 3 ngày trước.

Đến ngày 23/2, sau loạt thông tin về việc Việt Nam xuất siêu trong tháng 1/2009, dòng sản phẩm xăng dầu “Made in Vietnam” đầu tiên… được đăng tải trên VnEconomy, tỷ lệ bình chọn đã có vài thay đổi nghiêng về phía nhìn nhận lạc quan hơn, khi “Có nguy cơ phá sản” mất 2%, chỉ còn giữ được 26%.

Phần tỷ lệ ý kiến thuộc nhận định này chuyển lên chia đều cho hai nhận định lạc quan hơn, đưa tỷ lệ ý kiến bình chọn cho “Vẫn có thể duy trì tăng trưởng, nhưng ở mức thấp hơn năm ngoái” từ 18% lên 19%, “Sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng hy vọng vẫn vượt qua” từ 31% lên 32%.

Ngày 25/2, một lần nữa, tỷ lệ bình chọn lại có sự thay đổi, nghiêng về phía nhóm nhận định bi quan. Những khó khăn trong sản xuất kinh doanh đã thể hiện rõ nét hơn trước, cụ thể là thông tin chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2009 tăng 1,17%, mức của tháng trước đó chỉ là 0,32%.

Những chỉ báo xấu đi, cùng với khó khăn thực tế đẩy “Sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng hy vọng vẫn vượt qua” mất 1% cho nhận định bi quan nhất, “Có nguy cơ phá sản”, giúp nhận định này lên mức 27%.

Từ các ngày 25/2 đến ngày 27/2, tỷ lệ bình chọn luôn không thay đổi, mặc dù số lượt bình chọn tiếp tục tăng lên. Tính đến sáng ngày 27/2, số lượt bình chọn đã lên đến 3.262 ý kiến. Trong các ngày này, “Nhiều khả năng vẫn tiếp tục phát triển tốt” luôn chiếm được 14% ý kiến bình chọn. Các nhận định khác thay đổi tỷ lệ không đáng kể.

Bất định tâm lý thể hiện tiếp trong ngày cuối cùng của tháng 2 và đầu tháng 3. Tuy nhiên, nửa lạc quan đang dần kéo cán cân nghiêng về phía này.

Cụ thể, tính đến 5 giờ chiều 1/3, sau một tháng lấy ý kiến bạn đọc, trong tổng số 3.364 lượt bình chọn, nhận định “Nhiều khả năng vẫn tiếp tục phát triển” lần đầu tiên đạt 15% số ý kiến. Nhóm “Vẫn có thể duy trì tăng trưởng, nhưng ở mức thấp hơn năm ngoái duy trì mức 20%.

Trong khi “Sẽ gặp nhiều khó khăn lớn, nhưng hy vọng sẽ vượt qua” vẫn “trung dung” ở mức 31% thì hai nhận định bi quan còn lại đã giảm tỷ lệ: “Có thể phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh trong một thời gian” chỉ còn 9%; “Có nguy cơ phá sản” co lại mức 25%.

Nếu nhìn trên các số liệu của độc giả VnEconomy đã tham gia cuộc bình chọn.cho đến chiều 1/3, có thể phần nào hy vọng những bi quan ban đầu đã được cải thiện ít nhiều, trong vòng một tháng qua.

VnEconomy xin trân trọng cảm ơn quý độc giả đã tham gia bình chọn và đóng góp ý kiến cho cuộc khảo sát này của chúng tôi.

Kết quả bình chọn: Triển vọng doanh nghiệp của bạn trong năm 2009 như thế nào?

Nhiều khả năng vẫn tiếp tục phát triển tốt488 (15%)Triển vọng kinh doanh 2009: Cảm nhận từ một cuộc bình chọn - Ảnh 1
Vẫn có thể duy trì tăng trưởng, nhưng ở mức thấp hơn năm ngoái656 (20%)Triển vọng kinh doanh 2009: Cảm nhận từ một cuộc bình chọn - Ảnh 2
Sẽ gặp nhiều khó khăn lớn, nhưng hy vọng sẽ vượt qua1041 (31%)Triển vọng kinh doanh 2009: Cảm nhận từ một cuộc bình chọn - Ảnh 3
Có thể phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh trong một thời gian317 (9%)Triển vọng kinh doanh 2009: Cảm nhận từ một cuộc bình chọn - Ảnh 4
Có nguy cơ phá sản862 (25%)Triển vọng kinh doanh 2009: Cảm nhận từ một cuộc bình chọn - Ảnh 5

* Kết quả bình chọn được lưu tại địa chỉ: http://vneconomy.vn/home/binh-chon.htm?VoteID=94.