16:15 27/04/2021

Triển vọng kinh tế khả quan, giá đồng thế giới cao nhất 10 năm

Giá đồng thế giới đang tăng với tốc độ chóng mặt, lên mức cao nhất kể từ năm 2011, và chưa có thấy dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm hạ nhiệt...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Giá đồng thế giới đang tăng với tốc độ chóng mặt, lên mức cao nhất kể từ năm 2011, và chưa có thấy dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm hạ nhiệt.

Cơ sở cho đà leo thang của giá đồng triển vọng hồi phục của kinh tế toàn cầu dựa trên các gói kích cầu khổng lồ và chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, cùng các cam kết về chống biến đổi khí hậu.

Theo tin từ Bloomberg, không chỉ giá đồng mà giá nhiều kim loại quý khác từ nhôm tới quặng sắt cũng đang tăng mạnh, khi giới đầu tư đổ xô đặt cược vào sự khởi sắc của kinh tế thế giới sau Covid-19, bất chấp một làn sóng đại dịch mới lại đang nổi lên ở nhiều quốc gia.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng giá hàng hoá cơ bản đang tiến tới mức đỉnh của siêu chu kỳ gần đây nhất - thời điểm đầu những năm 2000, khi giá những hàng hoá này tăng vọt do nhu cầu ồ ạt từ Trung Quốc.

Giá các kim loại cơ bản, đặc biệt là đồng, được xem như một “hàn thử biểu” của kinh tế toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, giá các mặt hàng này đang hưởng lợi từ các chương trình kích cầu và cam kết chống biến đổi khí hậu của các nền kinh tế lớn.

Trong vòng 3 tháng đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa một gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD thông qua tại Quốc hội Mỹ và đề xuất thêm một gói đầu tư hạ tầng, bao gồm các sáng kiến về khí hậu, trị giá 2,3 nghìn tỷ USD nữa. 

“Các số liệu kinh tế vĩ mô tiếp tục cho thấy nhu cầu mạnh đối với đồng”, nhà phân tích Vivek Dhar thuộc Commonwealth Bank of Australia phát biểu.

Giá đồng ngày 27/4 trên sàn giao dịch kim loại LME ở London có lúc tăng 1,4%, đạt 9.885 USD/tấn, cao nhất từ tháng 8/2011. Giá đồng đạt mức cao nhất mọi thời đại ở 10.190 USD/tấn vào tháng 2/2011.

Diễn biến giá đồng thế giới qua các năm. Đơn vị: USD/tấn.
Diễn biến giá đồng thế giới qua các năm. Đơn vị: USD/tấn.

Giá nhôm trên sàn LME cũng có lúc đạt mức cao nhất 3 năm trong phiên ngày 27/4.

Nguồn cung đồng đang có dấu hiệu căng thẳng khi một bộ phận công nhân cảng biển ở Chile bắt đầu thực hiện kế hoạch biểu tình nhằm phản đối chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong đại dịch. Cuộc biểu tình này đe doạ gây gián đoạn nguồn cung đồng từ quốc gia Nam Mỹ chiếm khoảng 1/4 nguồn cung đồng toàn cầu.

Dù có nhiều dự báo cho rằng giá đồng còn tiếp tục tăng, nhu cầu đồng của Trung Quốc trong ngắn hạn có thể suy yếu. Quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới có thể tăng xuất khẩu đồng do nhu cầu trong nước yếu hơn dự báo.