Các nền kinh tế lớn phát đi nhiều tín hiệu tích cực
Bất chấp làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát nghiêm trọng tại nhiều khu vực, triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục khả quan...
Bất chấp làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát nghiêm trọng tại nhiều khu vực, triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục khả quan khi xuất hiên thêm một loạt tín hiệu tích cực đến từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Eurozone và một số nền kinh tế Đông Á khác.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khả quan. Báo cáo công bố ngày 23/4 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán nhà mới trong tháng 3 tăng 20,7% so với tháng trước đó lên hơn 1,02 triệu ngôi nhà. Nếu so với cùng kỳ năm 2020, doanh số nhà mới cao hơn gần 67%. Nhu cầu nhà ở mới tại Mỹ phục hồi ngoài dự báo của các nhà phân tích.
Một chỉ dấu khác cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang phục hồi mạnh là ngành sản xuất đã tăng trưởng ngoạn mục trong tháng 3. Viện Quản lý cung ứng (ISM) của Mỹ trong báo cáo vừa công bố cho biết, Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tại Mỹ trong tháng 3 đạt 64,7%, tăng 3,9% điểm so với tháng trước đó. Thông thường, chỉ số PMI một khi đạt trên 50% đều phản ánh ngành sản xuất nói chung của nền kinh tế tăng trưởng.
Các số liệu thăm dò mới nhất cũng cho thấy kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trên đà phục hồi nhờ sản xuất tăng vọt. Theo kết quả thăm dò do của hãng dịch vụ và thông tin tài chính của Anh - IHS Markit công bố ngày 23/4, hoạt động kinh doanh của Eurozone trong tháng 4 đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020 do sản lượng sản xuất tăng mạnh và lĩnh vực dịch vụ lần đầu tiên tăng trưởng trở lại kể từ tháng 8/2020.
Theo IHS Markit, chỉ số PMI của Eurozone đã tăng từ 53,2 điểm trong tháng 3 lên 53,7 điểm trong tháng 4 và đây là tháng thứ 2 liên tiếp hoạt động kinh doanh của Eurozone tăng trưởng sau 4 tháng suy giảm liên tiếp. Nhận định về tín hiệu tích cực nêu trên, Chris Williamson, kinh tế trưởng của của IHS Markit cho rằng, lĩnh vực sản xuất đã ghi nhận sự bùng nổ trong bối cảnh gia tăng hoạt động chi tiêu, đầu tư vào máy móc thiết bị mới và xu hướng lạc quan vào tương lai góp phần làm tăng sản lượng và đơn đặt hàng mới ở châu Âu.
Trong khi đó, số liệu thống kê đã cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc phục hồi ngày càng vững chắc hơn. Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) vừa cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 1/2021 đạt 24.930 tỷ NDT (khoảng 3.820 tỷ USD), tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng quý cao nhất kể từ năm 1992, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa và quốc tế tăng mạnh.
Theo NBS, trong 3 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc hồi phục vững chắc trong khi doanh thu thị trường cải thiện, hoạt động đầu tư tài sản cố định phục hồi và xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng đáng kể. Ngoài ra, cơ sở so sánh là mức tăng trưởng âm của quý 1/2020 (-6,8%) cũng là lý do giúp tăng trưởng trong quý 1/2021 đạt mức 2 chữ số. Marco Sun, nhà phân tích thị trường tài chính của Ngân hàng MUFG ở Thượng Hải, Trung Quốc nhận định, trọng tâm trong thời gian tới của Trung Quốc sẽ là làm sao duy trì đà tăng trưởng và quản lý rủi ro tài chính.
Tại các nền kinh tế lớn khác của châu Á, dù khó khăn vẫn lớn, nhưng tín hiệu phục hồi tích cực đã xuất hiện. Các nền kinh tế thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã và đang phục hồi sau thời kỳ suy giảm tồi tệ vì dịch bệnh. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF cho biết năm 2021, có 6 nước ASEAN đạt tăng trưởng GDP cao gồm Philippines (6,9%), Malaysia và Việt Nam (cùng 6,5%), Singapore (5,2%), Lào (4,6%), Indonesia (4,3%) và Campuchia (4,2%).
Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn của Đông Á là Hàn Quốc cũng đã xuất hiện tín hiệu phục hồi tích cực. Số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) công bố ngày 15/4 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này trong quý 1 vừa qua đạt 146,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu quý I của Hàn Quốc vượt mức kỷ lục được xác lập năm 2018 với 145,1 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Những tín khả quan nêu trên đang làm gia tăng niềm tin vào việc thế giới sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng mạnh ngay trong năm 2021 này. Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọn ở nhiều nước như hiện nay, các chuyên gia cảnh báo, nếu việc khống chế, kiểm soát dịch bệnh không được thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả, những thành tựu bước đầu và triển vọng phục hồi kinh tế nêu trên sẽ tiêu tan nhanh chóng.