Triển vọng tăng trưởng 2021: Động lực và thách thức
Tăng trưởng kinh tế với những động lực cơ bản tích cực giống như một cây cung được căng sẵn, thì đại dịch giống như một lực nén mạnh, và chỉ có thể bật lại mạnh mẽ khi nguy cơ dịch bệnh không còn
2020 là một năm vô cùng khó khăn của kinh tế thế giới khi dường như không một quốc gia nào có thể thoát khỏi tác động đột ngột của đại dịch COVID-19. Kinh tế Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi mà tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2,9%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Vậy triển vọng tăng trưởng năm 2021 sẽ như thế nào, những thuận lợi và khó khăn nào đang chờ đón nền kinh tế Việt Nam trong năm nay?
TRIỂN VỌNG DÀI HẠN VẪN TÍCH CỰC
Đại dịch COVID-19 là một cú sốc lớn khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh từ mức 7,02% năm 2019 xuống chỉ còn 2,91% trong năm 2020. Nhìn chung, đại dịch tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó cũng có sự phân hóa: lĩnh vực dịch vụ chịu tác động mạnh nhất, trong khi lĩnh vực nông nghiệp tương đối thiết yếu nên chỉ chịu ảnh hưởng nhẹ.
Cú sốc COVID-19 còn gây ra những tác động mang tính cấu trúc đối với nền kinh tế. Đó là những thay đổi trong lối sống, thói quen tiêu dùng và tiết kiệm ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng và đầu tư trong tương lai; những thách thức mới từ môi trường quốc tế hậu đại dịch do sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, sự mạnh lên của chủ nghĩa bảo hộ và sự suy giảm hợp tác trong lĩnh vực chính sách toàn cầu. Không gian chính sách tiền tệ thu hẹp, thâm hụt tài khóa và nợ công gia tăng khiến quá trình hồi phục của nền kinh tế sẽ phải mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể những động lực tăng trưởng cơ bản, tác giả cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa rời khỏi xu hướng tăng trưởng trung dài hạn:
-Cơ cấu dân số trẻ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng với tỷ lệ dân số thuộc độ tuổi lao động gấp 2,25 lần số người phụ thuộc. Mặc dù tốc độ già hóa dân số đang có xu hướng tăng trong vài năm gần đây, tuy nhiên trong vòng ít nhất là 15 năm nữa cơ cấu dân số trẻ vẫn sẽ đảm bảo lợi thế tăng trưởng đối với nhu cầu tiêu dùng và cơ hội đầu tư sản xuất ở Việt Nam.
-Thu nhập bình quân cải thiện với tốc độ tăng trưởng khoảng 6%/năm cao nhất trong khu vực, tầng lớp trung lưu gia tăng từ 18% lên 34% dân số cả nước trong 5 năm qua; xu hướng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Với thu nhập cải thiện và nền tảng là tỷ lệ tiết kiệm trong dân ở mức khá cao so với thế giới, người Việt đang có sẵn nguồn lực để gia tăng chi tiêu và đầu tư. Sự tăng trưởng bùng nổ của các cơ sở bán lẻ và các công ty tài chính trong những năm gần đây là minh chứng cho thấy giới đầu tư đánh giá cao tiềm năng của thị trường nội địa Việt Nam.
-Môi trường kinh doanh được cải thiện tạo điều kiện cho khối kinh tế tư nhân ngày càng phát triển thuận lợi. Định hướng chính sách trong những năm gần đây dành sự ưu tiên lớn cho phát triển kinh tế tư nhân, trong đó tập trung vào các chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong năm 2020, nhiều luật mới được ban hành gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác công tư (PPP) có hiệu lực từ năm 2021, kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư tư nhân.
-Chất lượng tăng trưởng được nâng cao nhờ đóng góp của các yếu tố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng lớn trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin có sự cải thiện vượt bậc (từ hạng 95 lên hạng 41 thế giới theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới), là động lực chính nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và năng suất của nền kinh tế.
Tuy nhiên bên cạnh đó nền tảng kinh tế vẫn còn nhiều yếu tố phát triển hạn chế và cần tập trung thúc đẩy trong thời gian tới, gồm cơ sở hạ tầng, trình độ kỹ năng lao động và thể chế.
TRIỂN VỌNG NGẮN HẠN VÀ BIẾN SỐ COVID-19
Nền kinh tế Việt Nam đã gượng dậy sau cú sốc, với các chỉ số kinh tế đều cho thấy sự phục hồi rõ nét về cuối năm 2020: GDP Quý IV/2020 tăng trưởng 4,48% cao nhất từ đầu năm; sản xuất công nghiệp tăng 6,3%, bán lẻ tăng 8%.
Sau đợt bùng phát dịch trong cộng đồng đầu tiên vào tháng 3-4/2020 khiến cả nước phải thực hiện cách ly xã hội, chiến lược ứng phó dịch bệnh đã có sự linh hoạt hơn, tâm lý và hành vi tiêu dùng và làm việc của người dân cũng đã thích nghi với "bình thường mới", giúp cho các hoạt động kinh tế về cơ bản đã trở lại ổn định.
Theo quan điểm của tác giả, nếu tiếp tục phát huy được hiệu quả ứng phó với dịch bệnh như trong năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục duy trì đà hồi phục tích cực từ cuối năm 2020 sang tới năm 2021. Dịch bệnh vẫn có thể bùng phát trong cộng đồng nhưng tác động tiêu cực đối với nền kinh tế sẽ không quá lớn, tương tự như trong nửa cuối năm 2020.
Tuy vậy, sự hồi phục này chỉ mang tính tạm thời khi mà đại dịch trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp chưa thấy hồi kết. Hoạt động du lịch và dịch vụ quốc tế chưa thể hồi phục khi biên giới quốc tế chưa được mở lại; các hoạt động nhạy cảm với dịch bệnh như vận tải, du lịch nội địa, giải trí vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng nếu dịch bùng phát.
Nếu ví tăng trưởng kinh tế Việt Nam với những động lực cơ bản tích cực giống như một cây cung được căng sẵn, thì đại dịch giống như một lực nén mạnh, và nền kinh tế chỉ có thể bật lại mạnh mẽ khi nguy cơ dịch bệnh không còn. Đại dịch càng chậm được khống chế thì sức ép đối với nền kinh tế sẽ càng lớn, những ảnh hưởng tiêu cực sẽ càng trầm trọng và quá trình hồi phục nền kinh tế sẽ càng khó khăn hơn. Do vậy, tình hình dịch bệnh vẫn sẽ là yếu tố chủ chốt đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Trái với những kỳ vọng lạc quan ban đầu của thế giới rằng dịch bệnh sẽ sớm tạo đỉnh ngay trong năm 2020, cho đến nay tình hình vẫn khá phức tạp khi số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn đang tăng cao hơn trước, buộc nhiều quốc gia phải siết chặt phong tỏa trở lại. Niềm hy vọng chính của thế giới trong việc khống chế dịch bệnh được đặt vào việc tìm ra vaccine COVID-19. Cho đến nay, đã có những tín hiệu tích cực khi đang có nhiều loại vaccine được phát triển, một số đã hoàn thành thử nghiệm và bắt đầu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ẩn số về mức độ công hiệu của nó cũng như khả năng phổ biến rộng rãi vaccine khi mà năng lực sản xuất vaccine khó nhanh chóng đáp ứng toàn bộ nhu cầu của toàn thế giới. Như vậy, nhiều khả năng đại dịch sẽ còn kéo dài trong phần lớn năm 2021.
Trong kịch bản kỳ vọng cơ sở, hiệu ứng vaccine sẽ giúp trạng thái bình thường được tái lập vào nửa cuối năm 2021 ở các nước phát triển, và đầu năm 2022 ở các nước đang phát triển. Với kịch bản nói trên, Việt Nam có thể mở cửa đi lại quốc tế một cách thận trọng trong nửa cuối năm, qua đó hoạt động dịch vụ quốc tế có thể phục hồi dần và đạt khoảng 20-30% mức bình thường trước dịch.
XUẤT KHẨU VÀ FDI TRỞ LẠI MẠNH MẼ
Kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trở lại trong năm 2021, song tốc độ được dự báo khá khiêm tốn. Cụ thể, IMF đưa ra dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 5,2%, qua đó GDP năm 2021 sẽ ở mức xấp xỉ GDP năm 2019. Trong đó, nhóm nước được phát triển (EM) được dự báo tăng trưởng khả quan hơn nhóm các nước tiên tiến (AE). Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ tác động đến hai cấu phần quan trọng của kinh tế Việt Nam là đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất nhập khẩu: Giải ngân vốn FDI năm 2020 bị chậm lại (giảm 1,3% so với năm 2019) do kinh tế toàn cầu suy thoái và hạn chế đi lại do tình hình dịch bệnh khiến nhiều kế hoạch đầu tư của vào Việt Nam bị hoãn lại.
Tuy nhiên mặt khác, đại dịch cũng là chất xúc tác đẩy mạnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam là quốc gia kỳ vọng được hưởng lợi lớn; khả năng chống dịch và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế dương cũng khiến hình ảnh quốc gia của Việt Nam cũng trở thành điểm sáng quốc tế. Các yếu tố này đều tạo thuận lợi để dòng vốn FDI có cơ hội trở lại mạnh mẽ khi tình hình dịch bệnh trở nên khả quan hơn trong năm 2021.
Dù chịu xu hướng sụt giảm chung của thương mại toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 6,5%, khá tích cực so với các nền kinh tế khác. Triển vọng xuất nhập khẩu năm 2021 sẽ hưởng lợi từ các yếu tố: thương mại toàn cầu hồi phục, được dự báo tăng trưởng khoảng 8%; các hiệp định thương mại tự do có tác động rõ rệt hơn, trong đó hiệp định EVFTA sau một năm có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU tăng mạnh khoảng 10-15% trong năm 2021; sự gia tăng trở lại của dòng vốn FDI, đặc biệt vào lĩnh vực sản xuất.
Tuy nhiên, áp lực thương mại từ phía Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - đang là rủi ro không nhỏ với kinh tế Việt Nam trong năm nay. Thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ liên tục mở rộng trong các năm gần đây, đến năm 2020 đã ở mức 62,7 tỷ USD, tương đương hơn 20% quy mô GDP của Việt Nam. Động thái gắn nhãn thao túng tiền tệ của Mỹ đối với Việt Nam gia tăng khả năng Mỹ sẽ áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời tạo sức ép lớn hơn đối với chính sách điều hành tỷ giá, khiến cho đồng nội tệ diễn biến ít thuận lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu.
DƯ ĐỊA CHÍNH SÁCH HẸP LẠI, ĐẦU TƯ CÔNG LÀ "CỨU CÁNH"?
Chính sách điều hành nới lỏng là liều thuốc quan trọng để tiếp sức cho doanh nghiệp và hệ thống tài chính trong nước trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Cho đến nay các công cụ tiền tệ và tài khóa đều đã được Chính phủ sử dụng khá triệt để, và có thể nói dư địa điều hành chính sách còn lại cho năm 2021 đã không còn quá dồi dào. Mặt bằng lãi suất điều hành hiện nay đã ở vùng khá thấp, tương đương với mức lạm phát, sau khi NHNN liên tục giảm lãi suất trong năm qua. Việc tiếp tục hạ lãi suất cũng khó có thể mang lại hiệu quả rõ rệt khi mà các cơ hội đầu tư vẫn bị giới hạn bởi đại dịch. Vì vậy, nhiều khả năng trong 2021 lãi suất điều hành sẽ được duy trì ổn định ở mặt bằng hiện tại.
Cân đối ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020-2022 dự kiến sẽ thâm hụt ở mức cao hơn so với giai đoạn 2017 – 2019 khoảng 1% GDP, với mức thâm hụt bình quân khoảng 4 – 4,5% GDP, tương đương giá trị tuyệt đối khoảng 280 – 350 nghìn tỷ đồng. Mặc dù các chỉ tiêu tài khóa chưa đến mức quá căng thẳng nhờ những tích lũy trong giai đoạn vừa qua, xong khả năng Việt Nam đưa sử dụng đến những gói tài khóa với quy mô đột phá trong năm nay cũng là không lớn khi mà quan điểm điều hành chính sách tài khóa chặt.
Cán cân thương mại với Mỹ đứng trước áp lực thu hẹp sau giai đoạn tăng trưởng mạnh Xuất khẩu VN - Mỹ (% GDP) Thặng dư thương mại VN - Mỹ (% GDP) chẽ, thận trọng vẫn duy trì, nhất là khi khả năng truyền dẫn và tạo hiệu quả rõ rệt củacác gói tài khóa còn nhiều hạn chế. Điểm tích cực có thể kỳ vọng trong năm 2021 đến từ những chuyển biến rõ rệt về tốc độ giải ngân đầu tư công, với tổng vốn giải ngân năm 2020 đạt kỷ lục về quy mô và tăng trưởng (336 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ). Khả năng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong năm nay được hỗ trợ bởi nguồn lực tài chính khá dồi dào với lượng tiền dự trữ gần 600 nghìn tỷ đồng của KBNN ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, triển khai đầu tư công cũng kèm theo nhiều thách thức, bao gồm việc tháo gỡ những nút thắt trong quy trình và thủ tục, cũng như làm sao để lựa chọn các dự án đúng đắn nhất có khả năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực trong toàn bộ nền kinh tế.
DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG 2021
Tổng kết lại, chúng tôi đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt trên 6% trong năm 2021 khi điểm xấu nhất của đại dịch đã ở lại năm 2020, và nền kinh tế về cơ bản vẫn duy trì các yếu tố tăng trưởng trung dài hạn. Động lực chính dẫn dắt tăng trưởng là sự hồi phục của tiêu dùng nội địa trên cơ sở kinh tế trong nước ổn định và kiểm soát tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá khả quan đối với khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trở lại của dòng vốn FDI và hoạt động xuất khẩu, cùng với sự hỗ trợ đến từ đầu tư công.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu nhiều khả năng sẽ còn kéo dài trong phần lớn năm nay.
Ngoài ra rủi ro lớn cũng đến từ sức ép từ phía Mỹ về vấn đề thương mại. Nhóm tác giả sử dụng mô hình dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 với yếu tố đầu vào gồm mức độ đi lại trong nước (biến đại diện cho tác động của đại dịch) và chỉ số sản xuất công nghiệp. Theo đó, với kịch bản cơ sở, nhờ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch trong nước trong nửa đầu năm và dần mở cửa biên giới trong nửa cuối năm, đà hồi phục kinh tế của Việt Nam sẽ được duy trì và cải thiện tăng dần trong năm 2021. Với kịch bản này tốc độ tăng trưởng GDP cả năm nay được dự báo ở mức 6,8%.