Triều Tiên bị nghi lại phóng tên lửa, căng thẳng với Mỹ gia tăng
Triều Tiên bị nghi đã phóng hai tên lửa tầm ngắn vào chiều ngày thứ Năm, đánh dấu vụ thử tên lửa thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tuần
Triều Tiên bị nghi đã phóng hai tên lửa tầm ngắn vào chiều ngày thứ Năm, đánh dấu vụ thử tên lửa thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tuần. Cùng ngày, Mỹ tuyên bố đã bắt giữ một tàu chở hàng Triều Tiên, khiến căng thẳng giữa hai bên gia tăng trở lại sau một thời gian dài tạm lắng.
Văn phòng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nói rằng vụ phóng tên lửa mới nhất đã được Triều Tiên thực hiện ở Kusong thuộc phía Tây Bắc của nước này. Hai quả tên lửa đã bay quãng đường khoảng 420 km và 270 km, đạt độ cao khoảng 50 km trước khi rơi xuống biển.
Vào hôm thứ Bảy tuần trước, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát một vụ phóng thử nhiều tên lửa tầm ngắn và một tên lửa tầm xa.
Phản ứng sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump nói "không ai vui cả", nhưng có vẻ như vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Bình Nhưỡng. Hàn Quốc thì cho rằng vụ thử là một dấu hiệu đáng lo ngại và có vẻ như nhằm mục đích phản đối việc ông Trump từ chối nới lệnh trừng phạt kinh tế cho Triều Tiên tại thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ở Hà Nội hồi tháng 2.
Washington hiện chưa có tín hiệu nào cho thấy sẽ nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên. Bộ Tư pháp Mỹ ngày thứ Năm tuyên bố đã bắt giữ một tàu chở hàng của Triều Tiên bị cho là liên quan đến việc vận chuyển than bất hợp pháp.
Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đã rơi vào bế tắc từ sau thượng đỉnh Hà Nội - cuộc gặp mà ông Trump và ông Kim không tìm thấy điểm chung về các vấn đề xóa bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên và dỡ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này.
"Mối quan hệ vẫn tiếp tục… Tôi biết là họ muốn đàm phán, họ đang nói về đàm phán. Nhưng tôi không nghĩ là họ đã thực sự sẵn sàng để đàm phán", ông Trump nói với các nhà báo ngày thứ Năm.
Triều Tiên đã dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân từ cuối năm 2017. Tháng 4/2018, ông Kim Jong Un chính thức tuyên bố đóng băng việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và bom hạt nhân, với lý do lực lượng hạt nhân của Bình Nhưỡng đã hoàn thiện.
Một bản tin của thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 10/5 nói rằng ông Kim Jong Un đã giám sát cuộc "diễn tập tấn công" ngày 9/5 và nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh rằng "hòa bình và an ninh thực sự của đất nước chỉ có thể được đảm bảo bởi lực lượng quân đội mạnh mẽ có khả năng bảo vệ chủ quyền".
Nói về những vụ thử mới nhất của Triều Tiên, ông Trump nhấn mạnh rằng đó là những tên lửa tầm ngắn, không có khả năng đe dọa Mỹ.
"Chúng tôi đang xem xét vấn đề rất nghiêm túc. Đó là những tên lửa nhỏ, tầm ngắn. Chẳng ai vui cả nhưng tình hình vẫn ổn", ông Trump nói.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người có nhiều cố gắng nhằm hòa giải với Triều Tiên, nói rằng cho dù đó là tên lửa tầm ngắn, việc Triều Tiên phóng thử tên lửa vẫn có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc.
"Triều Tiên có vẻ không hài lòng với việc không đạt thỏa thuận ở Hà Nội", ông Moon nói, và cho biết muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư với ông Kim Jong Un.
Giới phân tích cho rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục gây căng thẳng chừng nào còn chưa đạt được điều mà họ muốn là Mỹ nới trừng phạt.
"Triều Tiên đã quay trở lại với các chiến thuận leo thang kinh điển của họ", nhà nghiên cứu cấp cao Yang Uk thuộc Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc nhận xét. "Tôi tin rằng họ sẽ tiếp tục đẩy căng thẳng leo thang bằng cách phóng tên lửa tầm ngắn. Nhưng cách này có thể sẽ không khiến Mỹ thay đổi lập trường".
Ông Harry Kazianis, chuyên gia thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia ở Washington, thì cho rằng các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng.
"Việc này không vi phạm lời hứa của Bình Nhưỡng về dừng thử tên lửa tầm xa, nhưng Triều Tiên giờ đây đã thể hiện rõ rằng họ sẽ không dừng việc phát triển các bộ phận khác trong năng lực quân sự có khả năng đe dọa khu vực", ông Kanizanis nói.
"Mục tiêu của ông Kim, ngoài việc đảm bảo rằng chương trình vũ khí của Triều Tiên ngày càng mạnh, là khá rõ ràng: để chứng tỏ với Mỹ và đồng minh của Mỹ rằng nếu họ không sẵn sàng thỏa hiệp về điều kiện của phi hạt nhân hóa, thì Bình Nhưỡng sẽ tự làm theo cách của mình, với các vụ phóng thử tên lửa một lần nữa trở thành chuyện thường xuyên".