16:29 31/07/2019

Triều Tiên muốn gì khi liên tục phóng tên lửa?

An Huy

Có ý kiến cho rằng Triều Tiên đang gặp khó khăn về kinh tế, nên sự “thủng thẳng” của Mỹ càng khiến nước này thêm phần “sốt ruột”

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các phụ tá trong một chuyến thăm doanh trại quân đội - Ảnh: KCNA/Reuters.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và các phụ tá trong một chuyến thăm doanh trại quân đội - Ảnh: KCNA/Reuters.

Triều Tiên sáng 31/7 phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ bờ biển phía Đông của nước này, quân đội Hàn Quốc cho hay. Đây là vụ thử tên lửa thứ hai của Bình Nhưỡng chỉ trong vòng 1 tuần và diễn ra ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến công du tới khu vực.

Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết hai quả tên lửa trên được phóng đi từ vùng Hodo vào lúc hơn 5h sáng. Tên lửa đã bay khoảng 250 km và đạt độ cao khoảng 30 km trước khi rơi xuống biển.

Hôm 25/7, Triều Tiên cũng phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đánh dấu vụ phóng đầu tiên sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump có cuộc gặp lịch sử ở biên giới Hàn-Triều vào hôm 30/6. Trong cuộc gặp đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại đàm phán hạt nhân.

Ông Pompeo đã lên đường tới Bangkok để dự một hội nghị của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trao đổi với các nhà báo đi cùng, ông Pompeo nói ông không kỳ vọng người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho sẽ đến dự sự kiện này.

Nếu ông Ri đến hội nghị ASEAN, thì đây sẽ là cơ hội để hai vị Ngoại trưởng trao đổi về việc nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều.

Theo giới phân tích, Triều Tiên đang "mất kiên nhẫn" khi chứng kiến đàm phán với Mỹ không có bước tiến nào kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội hồi tháng 2. Việc ông Trump luôn thể hiện quan điểm "không vội" đi đến một thỏa thuận có thể khiến Bình Nhưỡng "khó chịu".

Triều Tiên đã nêu rõ điều kiện trên bàn đàm phán là nước này phi hạt nhân hóa tới đâu, Mỹ phải dỡ lệnh trừng phạt tới đó. Trong khi đó, quan điểm của Washington là Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa xong mới dỡ trừng phạt.

Trong cuộc gặp ở biên giới hai miền Triều Tiên, ông Trump và ông Kim Jong Un đã "tay bắt mặt mừng", nói nhiều điều tốt đẹp và hứa hẹn. Nhưng sau đó, Triều Tiên cảnh báo Mỹ rằng nếu cuộc tập trận chung thường niên Mỹ-Hàn trong tháng 8 này được thực hiện, thì đàm phán có thể đổ vỡ.

Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng Triều Tiên đang gặp khó khăn về kinh tế, nên sự "thủng thẳng" của Mỹ càng khiến nước này thêm phần "sốt ruột". Một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố mới đây ước tính kinh tế Triều Tiên giảm 4,1% trong năm 2018, mức giảm mạnh nhất 20 năm.

Trong bối cảnh như vậy, Triều Tiên có thể đang sử dụng các vụ phóng tên lửa để gây sức ép với Mỹ.

"Khi Triều Tiên phóng tên lửa vào tuần trước, chúng tôi biết rằng họ sẽ còn tiếp tục có thêm những vụ phóng nữa trong ngắn hạn", nhà phân tích Rachel Mingyoung Lee thuộc NK Pro phát biểu với Bloomberg. "Vụ phóng ngày hôm nay có vẻ phù hợp với xu hướng hành vi của Triều Tiên trong vòng mấy tháng gần đây: gia tăng sức ép nhưng không vượt quá giới hạn".

Trao đổi với hãng tin Reuters, chuyên gia Harry Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia (CNI) ở Washington cũng cho rằng các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên là nhằm gây sức ép lên Mỹ.

"Đàm phán cấp công tác giữa Mỹ với Triều Tiên có thể sẽ bị trì hoãn đến mùa thu, bởi Triều Tiên sẽ không quay trở lại ngay với con đường ngoại giao sau loạt vụ phóng này", ông Kazianis nói.

Sau vụ phóng tuần trước, cả ông Trump và Ngoại trưởng Pompeo đều thể hiện quan điểm không lấy gì làm lo ngại, đồng thời tiếp tục bày tỏ hy vọng vào giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên. Ông Trump thì nói vụ phóng đó không vi phạm lời hứa của ông Kim Jong Un về dừng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm thứ Ba, ông Trump khẳng định ông vẫn có mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim Jong Un. Tuy nhiên, ông nói thêm: "Chúng ta hãy chờ xem điều gì xảy ra. Tôi không thể nói trước với các bạn về điều gì có thể xảy ra".