Trong lúc châu Âu tiết kiệm từng giọt, Nga đốt bỏ hơn 4 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày
Tính theo năm, lượng khí đốt bị đốt bỏ lên tới 1,6 tỷ mét khối, tương đương khoảng 0,5% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) và trị giá khoảng 10 triệu USD/ngày...
Tập đoàn khí đốt quốc doanh khổng lồ Gazprom của Nga đang đốt bỏ khoảng 4,34 triệu mét khối khí mỗi ngày tại một cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới của mình ở gần biên giới với Phần Lan.
Đây là thông tin được đưa ra trong một phân tích dựa trên mức nhiệt và dữ liệu về tinh của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, có trụ sở ở Na Uy. Báo cáo phân tích này được đăng tải đầu tiên trên BBC.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nga đang giảm cung cấp khí đốt cho Đức và nhiều nước châu Âu, có nguy cơ đẩy châu lục này vào một cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông sắp tới.
Tính theo năm, lượng khí đốt bị đốt bỏ lên tới 1,6 tỷ mét khối, tương đương khoảng 0,5% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) và trị giá khoảng 10 triệu USD/ngày dựa trên giá khí đốt giao ngay ở châu Âu tuần trước.
“Hoạt động đốt khí đốt tại nhà máy Portovaya của Gazprom là một thảm họa môi trường khi thải ra khoảng 9.000 tấn carbon dioxide mỗi ngày. Con số này tương đương lượng khí thải trong cả một năm của hơn 1.100 hộ gia đình Mỹ”, Rystad đánh giá với CNN Business.
Nhà máy này nằm gần một trạm nén khí ở đầu đường ống Nord Stream 1 - một trong những huyết mạch chính vận chuyển khí đốt từ Nga sang EU.
“Nga đang đốt bỏ số khí đốt mà lẽ ra đã được xuất khẩu sang châu Âu qua đường ống này – thường chiếm hơn 1/3 tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu nhưng giờ đây đã bị cắt giảm xuống chỉ còn 20% công suất”, Rystad cho biết.
Theo báo cáo của Rystad, từ đầu năm đến nay, lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu đã giảm 77% so với cùng kỳ năm 2021. Năm ngoái, Nga chiếm khoảng 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
EU đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra 6 tháng trước. Khối này đang chạy đua để lấp đầy các khó dự trữ khí đốt, giảm nhu cầu, đồng thời tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác để tránh phải đi đến quyết định phân phối năng lượng theo định mức trong mùa đông này.
Một câu hỏi đặt ra là tại Nga lại đốt bỏ số khí đốt quý giá như vậy? Theo các nhà phân tích, đây có thể là một phần của hoạt động định kỳ hoặc cũng có thể là một thông điệp gửi tới châu Âu.
"Ngọn lửa bùng lên rất dễ thấy, có lẽ cho thấy rằng khí đốt đã sẵn sàng và chờ chảy sang châu Âu nếu quan hệ chính trị hữu nghị được nối lại", Rystad nhận định trong báo cáo phân tích của mình.
Theo công ty này, cơ sở LNG Portovaya của Gazprom dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay và hoạt động đốt khí đốt thường diễn ra như một phần của quy trình kiểm tra an toàn định kỳ tại các nhà máy mới. Tuy nhiên, vì cường độ và thời gian diễn ra hoạt động liên tục này quá lớn, nên đây không phải lời giải thích duy nhất.
“Kiểu đốt này chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử”, ông Zongqiang Luo, nhà phân tích cấp cao về khí đốt và LNG tại Rystad, nói với CNN Business, đề cập tới mức nhiệt bức xạ được phát hiện trong khu vực. "Với cơ sở LNG Portovaya LNG, kiểu đốt này là rất lớn”.
Theo ông Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên tại Eurasia Group, Nga có thể đang đốt số khí đốt là sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất dầu.
"Bình thường, phần lớn lượng khí đốt này sẽ được dùng để bơm vào mạng lưới đường ống và bán cho châu Âu. Nhưng vì Nga đã giảm mạnh nguồn cung cho châu Âu nên khí đốt ban đầu được đưa vào kho nội địa của nước này. Và hiện tại, các kho này có thể đã đầy, do đó khí đốt bị đốt bỏ.
Ông Mark Davis, CEO của công ty tư vấn năng lượng Capterio, cho rằng Nga có thể đang đối mặt với nhiều vấn đề.
“Hoạt động này diễn ra phổ biến trên khắp nước Nga. Tôi cho rằng nhiều khả năng đây là vấn đề liên quan tới vận hành mà Gazprom đang gặp phải. Có thể là vấn đề kỹ thuật của thiết bị", ông nói. "Tuy nhiên, đây cũng có thể đây là một thông điệp mà Nga muốn gửi tới châu Âu rằng ‘hãy nhìn xem, chúng tôi có khí đốt và đang phải đốt chúng, chính các anh đang khiến chúng tôi không thể đưa khí đốt ra thị trường”.