09:29 30/03/2010

Dự án khách sạn trong Công viên Thống Nhất: “Đền bù” cần có trọng tài

Từ Nguyên

Việc chủ đầu tư khách sạn trong Công viên Thống Nhất “đòi” thêm đất đền bù mới đây đã đặt ra nhiều câu hỏi

Mô hình Novotel Hanoi on the Park tại 295 Lê Duẩn, Hà Nội. Dự án này đã phải dừng lại từ tháng 4/2009.
Mô hình Novotel Hanoi on the Park tại 295 Lê Duẩn, Hà Nội. Dự án này đã phải dừng lại từ tháng 4/2009.
Việc chủ đầu tư khách sạn trong Công viên Thống Nhất “đòi” thêm đất đền bù mới đây đã đặt ra nhiều câu hỏi cho cách giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng.

Từ câu chuyện kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể phê duyệt đến chuyện thống nhất phương án đền bù..., tất cả đều thể hiện sự thiếu dứt khoát trong việc giải quyết vụ việc. Đó chính là những “băn khoăn” của TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Trao đổi với VnEconomy, ông Liêm nói:

- Nếu nói thực ra thì người quyết định cho dự án được triển khai trước đây cũng không phải là cá nhân mà người đó chỉ là thay mặt cho chính quyền. Do vậy, khi xảy ra vụ việc trên thì cấp chính quyền phải chịu trách nhiệm. Còn cấp chính quyền sẽ có kiểm điểm, xử lý đối với cá nhân người ký.

Thế nhưng, khá ngạc nhiên là kể từ khi Chính phủ chỉ đạo dừng dự án đến nay đã một năm, song tôi không thấy thành phố Hà Nội công khai kiểm điểm tập thể hay cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt dự án.

Đối với một dự án đã được dư luận quan tâm thì những việc này rất cần sự giám sát của dư luận và các cơ quan truyền thông. Chúng ta không thể cứ việc gì không xong thì cứ im lặng cho qua để rốt cục là không rút ra được bài học gì.

Vậy cụ thể thì việc dừng dự án khách sạn này mang lại bài học gì, thưa ông?

Với một người “trong nghề”, tôi biết rằng, việc dừng dự án này chắc chắn mang lại cho Hà Nội nhiều bài học trong khâu phê duyệt.

Đối với chủ đầu tư dự án dự án khách sạn Novotel Hanoi on the Park, từ việc xin đầu tư đến việc đòi đền bù, tôi không cho là họ có lỗi, vì đó là quyền của họ. Chỉ có người phê duyệt sai thì mới phải chịu trách nhiệm. Việc phải đền bù là tất yếu.

Tuy nhiên, theo báo chí đưa tin, việc chủ đầu tư đòi đền bù hàng chục triệu USD hoặc một diện tích đất lớn là có phần quá đáng.

Ông cho rằng, cá nhân người phê duyệt dự án chỉ là đại diện cho chính quyền. Đó có phải là nguyên nhân của việc dễ dãi trong phê duyệt vì rốt cục thì các khoản đền bù sẽ được lấy từ ngân sách hoặc là đất đai cũng là của nhà nước?

Chúng ta có Luật Bồi thường thiệt hại, trong đó quy định khi cơ quan công quyền gây thiệt hại cho dân phải đền bù như thế nào. Tuy nhiên, việc lấy tiền ngân sách đền bù như thế nào cũng là phải xem xét. Cơ quan nào gây thiệt hại thì cơ quan đó phải đền bù.

Cá nhân nào làm sai thì phải do cơ quan chủ quản kiểm điểm, xử lý người đó. Còn một khi người đó nhân danh cơ quan làm sai thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.

Thời gian qua Hà Nội có khá nhiều dự án phải dừng lại sau khi dư luận phản đối. Vậy theo ông đâu là gốc rễ của việc này?

Nói thật, quản lý thì không ai đúng 100%. Quan trọng là phải rút ra bài học để lần sau không mắc phải. Hiện ở Hà Nội có xảy ra một số vụ việc cấp đất không đúng, theo tôi là do ở khâu thực hiện quy hoạch. Tức là có quy hoạch nhưng năng lực thực hiện yếu kém.

Thứ hai nữa là việc quy hoạch nhiều khi lại bị thị trường bất động sản lôi kéo. Lẽ ra chính quyền thành phố phải là người chỉ đạo thị trường phục vụ cho việc phát triển đô thị của mình. Nhưng đáng tiếc là thực tế thì đang ngược lại.

Chính quyền phải chủ động phân bổ quỹ đất, vị trí quy hoạch xây dựng các khu đô thị, các dự án..., nhưng hiện nay đa phần chủ đầu tư lại nhắm đất rồi trình thành phố phê duyệt, không được thì lại hủy. Cứ như thế tạo nên một quy hoạch xôi đỗ, không đồng bộ.

Còn việc vì sao để thị trường dẫn dắt thì có nhiều nguyên nhân, có thể là khách quan, có thể là chủ quan, năng lực...

Vậy theo ông, hướng giải quyết nào là hợp lý đối với dự án khách sạn Novotel Hanoi on the Park vào lúc này?

Khi dự án đang triển khai mà bị dừng lại thì chắc chắn chủ đầu tư sẽ có thiệt hại, ít nhất là các khoản đã chi để lập dự án, điều tra khảo sát, khoan địa chất, chi phí thủ tục đầu tư và những hạng mục đang thi công...

Theo tôi được biết, quan điểm của thành phố là tìm hướng giải quyết thế nào để đền bù ở mức thấp nhất và mỗi bên phải chịu thiệt một ít. Tuy nhiên, cách giải quyết đó sẽ khó, vì bất kỳ chủ đầu tư nào cũng muốn được đền bù cao nhất.

Do đó, để đánh giá mức độ thiệt hại chính xác nhất thiết phải có các chuyên gia. Không phải chỉ một bên công bố mà được, nếu không đi đến thống nhất được thì đưa ra trọng tài, tòa án kinh tế.

Hướng giải quyết hợp lý nhất là phải có trọng tài phận định rạch ròi. Nếu chỉ có hai bên ngồi lại với nhau thì khó có thể có được tiếng nói chung vì ai cũng bảo vệ lợi ích và danh dự cho mình.