Trồng thêm 1.500 cây xanh cho Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh”
Hưởng ứng thực hiện Đề án Quốc gia “Trồng 1 tỷ cây xanh” nhằm phục hồi hệ sinh thái của Việt Nam cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu....
Theo mục tiêu của Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.
Đề án nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, môi trường bị ô nhiễm và đô thị hóa phát triển nhanh chóng, việc bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là trồng và giữ rừng ngập mặn, được coi là giải pháp hiệu quả nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Rừng ngập mặn còn được ví như “tường xanh” chắn sóng, phòng hộ ven biển, góp phần bảo vệ an toàn đê điều, công trình và đời sống nhân dân vùng ven biển.
Nhằm thực hiện Đề án Quốc gia “Trồng 1 tỷ cây xanh” để phục hồi hệ sinh thái của Việt Nam cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, chiều ngày 10/4/2025, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Công ty Airbus Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức lễ trồng rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy.
Hoạt động này không chỉ góp phần hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về ứng phó biến đổi khí hậu, mà còn mang lại ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, trồng và giữ rừng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị sinh thái của hệ sinh thái đất ngập nước tại Thái Bình.
Theo chương trình, Airbus sẽ tài trợ 1.500 cây ngập mặn, trồng trên 1 hecta rừng tại Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (TWPA) thuộc tỉnh Thái Bình. Thông qua dự án này, Airbus mong muốn hỗ trợ Việt Nam bảo vệ hệ sinh thái đất ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học - đặc biệt là đối với các loài chim nước di cư và đang bị đe dọa cũng như nâng cao sinh kế cho người dân địa phương.
Phát biểu tại sự kiện, ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, chia sẻ rằng Pháp và Việt Nam đều có mối quan tâm chung về ứng phó biến đổi khí hậu và đang đẩy mạnh hợp tác trên nhiều mặt. Năm 2025 kỷ niệm 10 năm diễn ra Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP21)- sự kiện có tính chất bước ngoặt khi đưa ra Thỏa thuận Paris với những mục tiêu rất cụ thể cho các quốc gia trên thế giới về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu.
Sự kiện trồng cây mang tính biểu trưng và được kỳ vọng trở thành cảm hứng lan tỏa những hành động cụ thể, những mô hình thiết thực ra nhiều địa phương khác. Đặc biệt, những vùng đất ngập nước như tại Thái Thụy có vai trò rất quan trọng về chắn sóng, nước biển dâng và là môi trường để nhiều loài sinh vật đặc hữu phát triển.
Theo ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Bình, triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã trồng 6,26 triệu cây xanh các loại. Kết quả này góp phần không nhỏ trong việc tạo không gian xanh trong các khu dân cư, phát triển rừng tại khu vực ven biển, tăng cường đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước của tỉnh.
Trong khuôn khổ hợp tác trồng cây tại khu bảo tồn thiên nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với tỉnh Thái Bình và các nhà tài trợ thực hiện 2 đợt trồng cây tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy với số lượng cây được tài trợ và trồng là 10.000 cây.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, cho biết các hoạt động trồng rừng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận được sự hưởng ứng tích cực từ chính quyền địa phương và người dân. Diện tích rừng trồng mới đều đáp ứng những tiêu chí về quy hoạch, mục tiêu phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng. Minh chứng là nguồn lợi thủy, hải sản tại các khu vực này vẫn luôn dồi dào và đem lại nguồn thu nhập cho người dân trong khu vực."
Theo bà Hoàng Tri Mai, Tổng giám đốc Airbus tại Việt Nam, hành động này là một bước tiến có ý nghĩa trong cam kết lâu dài của Airbus đối với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Sự đồng hành cùng các đối tác khẳng định cam kết của Airbus đối với môi trường, đối với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương cũng như các hoạt động giúp ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên thế giới.