09:53 07/06/2018

Trung hoà tiền tệ qua giải thích của Phó thủ tướng

Hà Vũ

Số dư tài khoản của ngân sách và kho bạc trên hệ thống Ngân hàng nhà nước gần đây nhất đã tăng lên được 150 nghìn tỷ có lẻ

Phó thủ tướng trả lời chất vấn tại Quốc hội - Ảnh: Quang Phúc
Phó thủ tướng trả lời chất vấn tại Quốc hội - Ảnh: Quang Phúc

Số dư tài khoản của ngân sách và kho bạc trên hệ thống Ngân hàng nhà nước gần đây nhất đã tăng lên được 150 nghìn tỷ có lẻ, theo thông tin từ Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Tại phiên chất vấn chiều 6/6, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đặt vấn đề, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề dòng vốn vào mạnh, chứ chưa phải dòng ra. Theo đó Ngân hàng Nhà nước đã và đang phải can thiệp, mua ngoại tệ vào mạnh và chịu sức ép rất cao trong việc trung hòa tiền tệ nhằm tránh nguy cơ tạo áp lực lạm phát sau một độ trễ nhất định.

Trong bối cảnh như vậy hoạt động giải ngân vốn đầu tư phát triển bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ lại chậm tiến độ, còn hoạt động thoái vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lại diễn ra khá sôi động.

Những khoản thu này rất chậm được tái đầu tư, xin hỏi Phó thủ tướng, với vai trò quản lý và điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ vấn đề trên như thế nào? đại biểu Hà Sỹ Đồng chất vấn.

Trả lời chất vấn này, Phó thủ tướng nhấn mạnh sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Theo Phó thủ tướng, trong mấy năm gần đây nhờ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, nhờ thực hiện tốt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đồng thời phối hợp rất nhịp nhàng hai chính sách này.

"Bây giờ đồng chí Thống đốc và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cùng nhau giải quyết vấn đề trên cơ sở nền tảng của tài chính và tiền tệ, có chuyện trung hòa lượng tiền để tránh lạm phát. Vừa rồi chúng ta bán Sabeco được 110.000 tỷ, tiền mặt khoảng 5 tỷ USD, dòng vốn nước ngoài vào còn nhiều, do đó tôi đã trực tiếp ngồi với các đồng chí lãnh đạo các bộ này để điều hòa lượng tiền của ngân sách trên kho bạc nhà nước", Phó thủ tướng nói.

Nhấn mạnh nguyên tắc kho bạc có quyền gửi ở ngân hàng thương mại, nếu tại đó không có Chi nhánh Ngân hàng nhà nước, Phó thủ tướng cho biết trước khi giải quyết vấn đề trên thì số dư tài khoản của ngân sách và kho bạc trên hệ thống Ngân hàng Nhà nước chỉ có khoảng 50 nghìn tỷ nhưng đến nay đã tăng lên 90 nghìn tỷ và gần đây nhất đã tăng lên được 150 nghìn tỷ có lẻ. Như vậy đây là trung hòa để đỡ việc phải hút tiền về, đảm bảo cho thị trường tiền tệ và tài khóa lành mạnh, tránh được lạm phát, Phó thủ tướng giải thích.

Cũng liên quan đến thực thi chính sách tiền tệ, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn Phó thủ tướng về định hướng chính sách và giải pháp để quản lý chặt chẽ tiền ảo tại Việt Nam.

Phó thủ tướng cho biết, khi có thông tin người dân ở một số thành phố lớn mua máy về đào Bitcoin và xảy ra một số vụ việc rất phức tạp như đánh bạc qua mạng hàng nghìn tỷ đồng, Thủ tướng đã rất kịp thời yêu cầu xây dựng một đề án và giao cho Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để xây dựng khung khổ để quản lý tiền ảo nói chung. 

Ngân hàng nhà nước đã lập tức ra một văn bản là không công nhận bitcoin và các loại tiền ảo khác là đồng tiền sử dụng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng nhập máy để đào Bitcoin hiện nay tương đối sôi động. Theo số liệu Bộ Tài chính vừa báo cáo, từ năm ngoái đến năm nay đã nhập đến 15.600 bộ máy để đào Bitcoin, trong đó về Tp.HCM khoảng 9.000 máy, về Hà Nội khoảng 6.000máy, còn lại là Đà Nẵng. 

Hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất cấm không cho nhập máy này nhưng phải xem xét thêm cơ sở pháp lý, Phó thủ tướng cho biết.