07:33 10/04/2025

Trung Quốc bắt đầu đánh thuế 84% với hàng nhập khẩu Mỹ để trả đũa

Ngọc Trang

Cùng ngày, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế quan với hàng Trung Quốc vào Mỹ lên 125%...

Ảnh minh họa: Getty Images
Ảnh minh họa: Getty Images

Từ ngày 10/4, Trung Quốc bắt đầu áp thuế quan bổ sung 84% với hàng nhập khẩu từ Mỹ vào nước này để trả đũa thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực một ngày trước đó.

Trong chính sách thuế đối ứng ngày 2/4 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chịu thuế suất 34%. Con số này tăng lên 84% sau khi Bắc Kinh thông báo trả đũa 34% vào hàng Mỹ ngày 4/4. Để tương ứng với các đòn thuế quan của Mỹ, Bắc Kinh đã nâng mức thuế quan trả đũa từ 34% lên 84%.

Nằm trong chính sách thuế đối ứng có hiệu lực từ ngày 9/4, ông Trump áp thuế quan cơ sở với hầu hết đối tác thương mại và cao hơn với một số đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại. Chính sách này đã gây chấn động toàn cầu những ngày qua. Tuy nhiên, ngày 10/4, vị Tổng thống bất ngờ giảm toàn bộ thuế đối ứng với hầu hết đối tác thượng mại về 10% trong 90 ngày để đàm phán. Riêng Trung Quốc không những không được giảm mà còn bị tăng.

Chia sẻ trên mạng xã hội, ông Trump cho biết sẽ tăng thuế quan với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ lên 125%, “có hiệu lực ngay lập tức do sự thiếu tôn trọng mà Trung Quốc thể hiện với các thị trường toàn cầu”.

Các hành động trên của Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đẩy căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lên cao.

Trong tuyên bố về thuế quan trả đũa, Ủy ban Thuế quan của Quốc hội Trung Quốc nêu rõ: “Hành động leo thang thuế quan của Mỹ với Trung Quốc là một sai lầm nối tiếp sai lầm, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc và gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc”.

Việc ông Trump tiếp tục tăng thuế quan với Trung Quốc được dự báo sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt hơn của Bắc kinh trong thời gian tới. Trước đó, Bắc Kinh tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng”.

Bên cạnh việc áp thuế quan trả đũa với hàng hóa Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng siết nhập khẩu hàng hóa lưỡng dụng - dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự - cho 12 công ty Mỹ. Bắc Kinh cũng thêm 6 công ty Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”, theo đó, cấm các công ty này giao dịch hoặc đầu tư mới tại Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đệ đơn kiện hành động thuế quan mới nhất của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Phản ứng với hành động trả đũa của Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói rằng: “Thật không may là Trung Quốc không muốn đến và đàm phán thỏa thuận thuế quan”. Ông gọi Trung Quốc là "quốc gia vi phạm tồi tệ nhất trong hệ thống thương mại quốc tế".

“Họ là nền kinh tế có thương mại mất cân bằng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Hành động leo thang này sẽ khiến họ chịu thiệt hại”, ông Bessent nhận xét trên hãng tin Fox News. “Họ là một quốc gia thặng dư. Xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ nhiều cấp 5 lần so với xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc. Và giờ họ lại tăng thuế quan”.

Theo các nhà phân tích, sau khi ông Trump leo thang cuộc chiến thuế quan, thông điệp từ Chính phủ Trung Quốc, các phương tiện truyền thông nhà nước hay những người có sức ảnh hưởng ở Trung Quốc không thể hiện sự nhượng bộ và bày tỏ quyết tâm đáp trả dù vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán.

Ngay sau khi thuế đối ứng ở mức cao hơn thuế cơ sở của Mỹ có hiệu lực ngày 9/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “Mỹ cần chứng minh thái độ công bằng, tôn trọng và vì lợi ích lẫn nhau” nếu như họ thực sự muốn giải quyết chiến tranh thương mại thông qua đối thoại.

Trung Quốc cũng công bố sách trắng về quan hệ thương mại và kinh tế với Mỹ, trong đó nói rằng mối quan hệ này đã bị hủy hoại bởi “các biện pháp đơn phương và bảo hộ” của Washington.

Trong phần hỏi đáp bằng văn bản về sách trắng, một quan chức Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh rằng Trung Quốc không muốn xảy ra thương chiến, nhưng khẳng định Bắc Kinh sẽ "không bao giờ ngồi yên" khi các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân Trung Quốc "bị tổn hại hoặc bị tước đoạt".

Song song với đó, nhà chức trách Trung Quốc cũng đang chuẩn bị ứng phó với những tác động của thuế quan Mỹ tới lĩnh vực xuất khẩu - vốn là một điểm sáng của nền kinh tế tăng trưởng chậm lại của nước này. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt khoảng 500 nghìn tỷ USD.

"Nếu Mỹ vẫn tiếp tục leo thang rào cản thương mại, Trung Quốc có ý chí kiên định và nhiều công cụ để đối phó, và sẽ thực hiện đến cùng", vị quan chức Bộ Thương mại nhấn mạnh.

Căng thẳng với Mỹ leo thang trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vừa có một số tín hiệu phục hồi sau nhiều năm chật vật với cuộc khủng hoảng bất động sản, nợ chính quyền địa phương cao và hậu quả từ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trong đại dịch Covid-19. Tháng trước, Bác Kinh công bố một loạt biện pháp để kích thích tiêu dùng nội địa - một động thái nhằm giảm bớt tác động của chính sách thương mại Mỹ tới tăng trưởng kinh tế.