Toàn bộ thuế đối ứng đã có hiệu lực, thuế quan Mỹ cao nhất hơn 100 năm
Toàn bộ kế hoạch thuế quan đối ứng, hay còn gọi là thuế quan có đi có lại, của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có hiệu lực...

Việc triển khai thuế quan này là một phần quan trọng trong nỗ lực của ông Trump nhằm thiết lập lại trật tự thương mại toàn cầu là được xem là một cú đánh mạnh mà nền kinh tế thế giới phải hứng chịu.
Vài giờ trước khi thuế đối ứng được thực thi vào 0h01 ngày 9/4 theo giờ Washing ton, Nhà Trắng khẳng định sẽ không có chuyện kế hoạch này được rút lại, dập tắt những đồn đoán của thị trường về một cú “quay xe” vào phút chót. Theo hãng tin Bloomberg, khi thuế đối ứng được triển khai, tỷ trọng giữa tiền thu từ thuế quan của Mỹ so với kim ngạch hàng hóa được nhập khẩu sẽ là 20%, đồng nghĩa mức thuế quan cao nhất của nước này kể từ năm 1909. Động thái này của Mỹ cũng có khả năng dẫn tới một cuộc chiến thương mại tổng lực trên toàn cầu nếu các đối tác thương mại đáp trả bằng cách áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ.
HAI CÁCH PHẢN ỨNG VỚI THUẾ QUAN MỸ
Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông Trump đã áp thuế quan lên tới 104% đối với hàng hóa Trung Quốc và lên tới 50% đối với khoảng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Thuế suất cơ sở 10% của thuế đối ứng đã có hiệu lực từ hôm 5/4. Trong khi đó, thuế suất cao hơn áp dụng lên các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, như 49% đối với Campuchia và 46% đối với Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 9/4. Tương tự, hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU), một đồng minh thân cận của Mỹ, bị đánh thuế đối ứng 20%.
“Thuế quan đang được triển khai và tiền đang đổ về ở mức độ chúng ta chưa bao giờ thấy trước đây. Đó là điều tuyệt vời cho chúng ta, và cũng sẽ tuyệt vời đối với các quốc gia khác. Nước Mỹ đã bị các quốc gia khác bóc lột và lạm dụng trong nhiều năm”, ông Trump phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng ngày 8/4.
Bị ông Trump áp mức thuế “khủng” nhất, Trung Quốc vẫn thể hiện một quan điểm cứng rắn, tuyên bố sẽ “chiến đấu tới cùng”. Những diễn biến leo thang mới nhất cho thấy khả năng khó sớm có một cuộc điện đàm giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời gian tăng rủi ro một cuộc chiến thuơng mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một số nền kinh tế khác cũng có phản ứng mạnh với thuế quan của Mỹ. Từ 0h01 ngày 9/4 theo giờ Mỹ, Canada đã triển khai thuế quan trả đũa 25% đối với việc ông Trump áp thuế quan 25% lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu. Ở châu Âu, cả Pháp và Đức đều đang hối thúc Liên minh châu Âu (EU) đi đến một cách đáp trả cứng rắn hơn đối với thuế quan của Mỹ.
Trái lại, nhiều quốc gia khác đang chạy đua tìm cách đàm phán với Mỹ để được giảm thuế đối ứng. Một phái đoàn cấp cao của Việt Nam đã tới Washington, trong khi lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã điện đàm với ông Trump, hứa mua thêm khí đốt từ Mỹ. Đầu tuần này, ông Trump đã tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để bàn về vấn đề thương mại, và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni dự kiến sẽ thăm Washington vào tuần tới cũng với mục đích tương tự.
ÔNG TRUMP KHÔNG NAO NÚNG
Ông Trump lập luận rằng các kế hoạch thuế quan của ông sẽ gia tăng sự thịnh vượng cho nước Mỹ và chấn hưng nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo về ảnh hưởng tiêu cực của thuế quan đối với kinh tế Mỹ và toàn cầu, bao gồm đẩy giá tiêu dùng tăng cao và gây suy giảm tăng trưởng, thậm chí là suy thoái kinh tế.
Tuần này, một loạt nhà điều hành ở Phố Wall lên tiếng chỉ trích kế hoạch thuế quan của ông Trump, gồm CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất của Mỹ về giá trị tài sản. Trong lá thư gửi cổ đông công bố ngày 7/4, ông Dimon kêu gọi Chính phủ Mỹ nhanh chóng giải quyết tình trạng bấp bênh về chính sách thương mại, đồng thời cảnh báo về sự phân mảnh “mang tính chất thảm họa” có thể xảy ra đối với các liên minh kinh tế lâu năm của Mỹ.
Trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội, tỷ phú Bill Ackman - nhà sáng lập công ty quản lý quỹ Pershing Square Capital Management, một người ủng hộ ông Trump - cũng bày tỏ lo ngại. Sau đó, ông Ackman nói ông ủng hộ chiến lược thuế quan của ông Trump nhưng kêu gọi tạm hoãn việc áp thuế quan đối ứng.
Về phần mình, giới chức chính quyèn Trump 2.0 đưa ra những thông điệp thiếu nhất quán về hướng đi sắp tới. Một số nói thuế quan sẽ mở ra đàm phán để buộc các quốc gia khác phải hạ hàng rào thuế quan cho hàng Mỹ, và có lẽ ông Trump cũng giảm thuế quan cho các nước đó. Tuy nhiên, cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro liên tục phản bác ý tưởng cho rằng ông Trump chỉ dùng thuế quan làm công cụ đàm phán.
Trong khi đó, ông Trump không có dấu hiệu nào sẽ lùi bước và phát tín hiệu sẽ còn áp thêm thuế quan. Phát biểu hôm 8/4, ông nói thuế quan đối với dược phẩm sẽ sớm được công bố. Ngoài ra, con chip, kim loại đồng và gỗ xẻ cũng đang là những mặt hàng “trong tầm ngắm”.
Ông Trump luôn hứa rằng tất cả các biện pháp thuế quan của ông sẽ dẫn tới một tương lai tốt đẹp, cả về phương diện kinh tế cho nước Mỹ và về phương diện chính trị cho đảng của ông.
“Chúng ta sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (vào năm 2026) và đó sẽ là một chiến thắng lớn, sấm sét và áp đảo. Tôi thực sự tin vào điều đó”, ông Trump nói trước các nghị sỹ và nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa ngày 8/4.