06:00 30/04/2021

Trung Quốc có thể thâu tóm cổ phần “gã khổng lồ” dầu khí vùng Vịnh

Saudi Arabia đang cân nhắc bán cổ phần công ty dầu khí quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco cho một nhà đầu tư nước ngoài...

Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia - Ảnh: Reuters.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia - Ảnh: Reuters.

Saudi Arabia đang cân nhắc bán cổ phần Công ty dầu khí quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco cho một nhà đầu tư nước ngoài, và nhà đầu tư đó có thể đến từ Trung Quốc.

Theo tin từ CNN Money, Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã xác nhận kế hoạch bán cổ phần 1% trong Aramco – hãng dầu lửa lớn nhất thế giới. Căn cứ trên thị giá cổ phiếu của Aramco, cổ phần này hiện có trị giá khoảng 19 tỷ USD.

“Đang diễn ra một cuộc thảo luận về việc một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng mua 1% của Aramco”, ông Bin Salman, nhà lãnh đạo không chính thức của Saudi Arabia, nói trong một chương trình trả lời phỏng vấn phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia. “Đây là một thương vụ rất quan trọng để thúc đẩy doanh thu của Aramco tại một quốc gia rất lớn”.

 

Trung Quốc là quốc gia mua nhiều dầu thô nhất của Saudi Arabia, nhập khẩu nhiều dầu từ vương quốc vùng Vịnh này hơn bất kỳ từ một nước nào khác trong năm 2020 – theo số liệu Hải quan Trung Quốc.

Ngoài ra, Saudi Aramco cũng có những khách hàng lớn khác ở châu Á. Trong một báo cáo công  bố tháng trước, hãng này nói sẽ đầu tư vào mảng bán và giao dịch dầu lửa ở Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vị khách tiềm năng thâu tóm cổ phần Aramco “rõ ràng phải là một công ty dầu khí quốc doanh ở khu vực châu Á”, nhà phân tích Oswald Clint của Bernstein phát biểu. “Phần lớn dầu của Aramco đều đi về hướng châu Á”.

Trong vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lịch sử vào năm 2019, Aramco bán ra cổ phần khoảng 1,7%, thu về 29,4 tỷ USD. Số tiền này được dùng để phục vụ cho kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Thái tử Bin Salman nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Saudi Arabia vào dầu lửa và phát triển những ngành nghề khác. Ở thời điểm đó, Aramco được định giá ở mức khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, so với mức 1,9 nghìn tỷ USD hiện nay.

Việc bán thêm cổ phần của Aramco cho một nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp huy động thêm vốn cho kế hoạch của vị thái tử. Tuy nhiên, các công ty dầu lửa ở Mỹ và đặc biệt là ở châu Âu đang cố gắng dịch chuyển khỏi nhiên liệu hoá thạch và thay vào đó công bố kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng sạch. Các nhà đầu tư tổ chức lớn cũng đang tìm cách giảm dấu ấn carbon trong danh mục đầu tư của mình.

Sự nổi lên của dầu đá phiến trong những năm gần đây đồng nghĩa Mỹ đã có được mức độ độc lập lớn hơn về nguồn cung năng lượng và như thế có ít lý do hơn để dính líu sâu vào Trung Đông – chiến lược gia Hasnain Malik thuộc Tellimer nhận định. Trong bối cảnh như vậy, “Trung Quốc có thể nhận thấy một cơ hội để làm sâu sắc thêm mối quan hệ của mình với Trung Đông”, ông Malik nhận xét.

Cũng theo ông Malik, lợi ích của việc sở hữu một “cổ phần nhỏ như vậy trong công ty quốc doanh của một quốc gia khác” là không mấy rõ ràng, nên bất kỳ thoả thuận nào nếu có dường như đều dựa trên các yếu tố địa chính trị hơn là kinh tế.

Nỗ lực đa dạng hoá nền kinh tế Saudi Arabia của thái tử bin Salman đã gặp trở ngại vì đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng khiến nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sụt giảm mạnh. Năm ngoái, lợi nhuận của Aramco “bốc hơi” gần một nửa, còn 49 tỷ USD.

Để hỗ trợ giá dầu, Saudi Arabia cùng liên minh OPEC+ mà nước này là một thành viên chủ chốt đã mạnh tay cắt giảm sản lượng. Mới đầu tháng này, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu khởi sắc và giá dầu tăng mạnh, OPEC+ mới quyết định nới dần sản lượng trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7.