15:06 05/06/2007

Trung Quốc: Đầu tư vào lĩnh vực khách sạn tăng mạnh

Kiều Oanh

Trung Quốc được dự báo là thị trường khách sạn tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong năm 2007

Khách sạn Shereton tại Thượng Hải.
Khách sạn Shereton tại Thượng Hải.
Đầu tư vào lĩnh vực khách sạn tại châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, trong đó, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ là những nước có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất ở lĩnh vực này.

Trên đây là nhận định của Giám đốc điều hành Scott Hetherington của Tập đoàn dịch vụ đầu tư khách sạn Jones Lang LaSalle Hotels.

Theo báo cáo mới đây nhất của tập đoàn này, đầu tư vào lĩnh vực khách sạn trên toàn cầu đã vượt mức 72 tỷ USD trong năm 2006, mức cao nhất kể từ năm 2002 khi thị trường khách sạn toàn cầu bắt đầu khôi phục sau khi sụt giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Theo Giám đốc điều hành toàn cầu Arthur de Haast của Jones Lang, mặc dù Mỹ và châu Âu đã và sẽ tiếp tục là hai thị trường chính của hoạt động đầu tư khách sạn, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là thị trường khách sạn có tốc tộ tăng trưởng cao nhất trong năm nay.

Ông dự báo: “Năm nay, đầu tư khách sạn toàn cầu sẽ giảm nhẹ xuống còn khoảng 70 tỷ USD. Trong đó, đầu tư khách sạn tại Mỹ sẽ ít thay đổi, tại châu Âu giảm và tại châu Á sẽ tăng tốc.”

Theo ông Hetherington, tại Trung Quốc, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực khách sạn đang diễn ra rất mạnh mẽ. Chất xúc tác cho đầu tư khách sạn ở Trung Quốc chính là Olympics Bắc Kinh 2008. Từ khi Bắc Kinh được chọn là địa điểm tổ chức Thế vận hội, đầu tư khách sạn tại Trung Quốc đã tăng tốc nhanh chóng.

Mặc dù từ giữa năm 2006, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế các tổ chức và cá nhân nước đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở đại lục, các nhà đầu tư trong lĩnh vực khách sạn tại Trung Quốc vẫn rất hăng hái. Số dự án khách sạn tại Trung Quốc trong năm 2006 đã vượt con số 16 với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD, tương đương khoảng 1/6 tổng mức đầu tư khách sạn trên toàn châu Á. Trong đó, có 9 dự án tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

Theo Andreas Flaig, Phó chủ tịch điều hành Jones Lang kiêm Giám đốc phụ trách thị trường Trung Quốc, nhu cầu đầu tư vào các khách sạn trung và cao cấp tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và các địa điểm chiến lược khác tại nước này sẽ tăng mạnh.

Tốc độ tăng trưởng năng động của kinh tế Trung Quốc và thị trường du lịch hấp dẫn của nước này cũng là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư. Trong năm 2006, Trung Quốc đại lục đón 125 triệu khách du lịch nước ngoài và tiếp tục đứng ở vị trí thứ 4 trên thế giới về thu hút khách du lịch.

Theo một báo cáo mới đây của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đến năm 2015, Trung Quốc sẽ trở thành nước có ngành công nghiệp du lịch và lữ hành lớn thứ hai trên thế giới xét về đóng góp cho GDP, chỉ đứng sau Mỹ. Cũng theo báo cáo này, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực du lịch và lữ hành tại Trung Quốc sẽ tăng 8,7% trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2016.

Theo báo cáo của Jones Lang, RevPAR (doanh thu trên mỗi phòng) của các khách sạn cao cấp tại Bắc Kinh và Thượng Hải, hai địa điểm du lịch chính của Trung Quốc, sẽ tăng hơn 10% trong năm nay.

Ngoài ra, nhu cầu khách sạn tại các thành phố cửa ngõ của Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh sau Olympics 2008 nhờ sự phát triển của du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội chợ, nghiên cứu thị trường, du lịch khen thưởng) và cải thiện cơ sở hạ tầng dài hạn.

Theo Phó chủ tịch Flaig, các nhà đầu tư có cổ phiếu của các khách sạn tại Bắc Kinh và Thượng Hải thường không muốn bán những cổ phiếu này trừ phi có mức lãi cao. Ông còn dự báo lạc quan: “Sẽ còn có nhiều nhà đầu tư ngoài châu Á tham gia vào thị trường Trung Quốc.”