11:35 25/05/2019

Trung Quốc gọi việc Mỹ chống Huawei là “bất thường”

An Huy

Trung Quốc đang thể hiện một lập trường cứng rắn hơn trong cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Reuters.

Bắc Kinh vẫn muốn đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nhưng sẵn sàng có thêm biện pháp trả đũa Washington nếu cần - đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuyên bố ngày 24/5. Ông Thôi cũng gọi việc Mỹ đưa hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách cấm là hành động "bất thường".

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Thôi nói Bắc Kinh muốn hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Washington để Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump ký kết. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cho biết hiện hai bên chưa chính thức thảo luận về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Theo ông Thôi, Trung Quốc và Mỹ nên hợp tác và cộng tác thay vì đối đầu như hiện nay. "Thương mại mang lại lợi ích cho cả hai, chiến tranh gây tổn hại cho cả hai. Làm sao có thể gộp hai khái niệm rất khác nhau này làm một?" ông nói thêm.

Kể từ khi kết thúc vòng đàm phán thương mại gần nhất cách đây 2 tuần, Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa ra kế hoạch nào cho vòng đàm phán tiếp theo.

Trong khi đó, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lan từ thương mại sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là công nghệ. Tuần trước, chính quyền ông Trump đã đưa Huawei vào một "danh sách đen" nhằm khiến công ty này không thể mua được linh kiện và công nghệ từ các nhà cung cấp Mỹ.

Ông Thôi nói rằng những cáo buộc mà Mỹ nhằm vào Huawei là "nghi ngờ vô căn cứ", đồng thời miêu tả động thái của Mỹ là một hành động "bất thường" sử dụng "sức mạnh nhà nước chống lại một công ty tư nhân".

Phát biểu của vị đại sứ cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ các quyền của mình và một công ty vốn được xem là niềm tự hào quốc gia như Huawei, nhưng đồng thời cũng tránh những "giới hạn đỏ" có thẻ dập tắt hy vọng về một thỏa thuận thương mại.

"Chiến thuật" tương tự đã được ông Trump sử dụng hôm thứ Năm. Người đứng đầu Nhà Trắng nói ông nhận thấy rằng sẽ sớm có giải pháp cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và vấn đề Huawei có thể sẽ là một phần trong thỏa thuận thương mại gữa hai nước. Tuy nhiên, ông vẫn nói rằng Huawei "rất nguy hiểm".

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có trả đũa việc Mỹ nhằm vào Huawei, ông Thôi nói "chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, người dân và đất nước chúng tôi".

"Nếu mọi chuyện đi sai hướng, thì các bạn sẽ thấy sớm có sự đáp trả", ông Thôi nói. "Nhưng nếu hai bên có thể cùng nhau đưa mọi chuyện đi đúng hướng, thì dĩ nhiên là tình hình sẽ trở nên tốt đẹp hơn".

"Người ta sẽ thực sự làm được gì bằng cách sử dụng cái cớ an ninh quốc gia? Chúng tôi không biết", ông Thôi nói về việc Mỹ viện cớ Huawei là nguy cơ an ninh quốc gia để "cấm cửa" công ty này.

"Liệu họ có thể thực sự ngăn cản tiến bộ công nghệ? Liệu họ có thể tước đi quyền của người dân về hưởng lợi từ công nghệ? Tôi không nghĩ là vậy. Và liệu họ có thực sự nghĩ đến lợi ích của nhân dân Mỹ? Tôi cũng không nghĩ là vậy", ông Thôi phát biểu.

Chính quyền ông Trump được cho là đang cân nhắc đưa thêm ít nhất 5 công ty công nghệ giám sát bằng camera của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Và trong một động thái có thể mở rộng cuộc chiến thương mại, Mỹ đang tính áp thuế quan lên các quốc gia bị cho là phá giá đồng tiền.

Trung Quốc đang thể hiện một lập trường cứng rắn hơn trong cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ. Trong một bài bình luận đăng hôm thứ Sáu, hãng thông tấn Tân Hoa Xã viết rằng Mỹ "tiếp tục tấn công các công ty Trung Quốc không phải vì các công ty làm điều gì sai, mà bởi vì các công ty Trung Quốc quá xuất sắc để Mỹ có thể chấp nhận".

"Chúng tôi tin rằng đàm phán, liên lạc và tham vấn trên cơ sở bình đẳng là cách duy nhất để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào giữa hai nước và chúng tôi vẫn cam kết với điều đó", ông Thôi nói. "Chúng tôi sẵn sàng giải quyết tình hình với chính quyền Mỹ hiện tại và Tổng thống Trump".

"Đến nay, chưa có sự thảo luận chính thức nào về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo", ông Thôi nói khi được hỏi về khả năng có cuộc gặp giữa ông Tập và ông Trump bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào tháng tới. "Nhưng khả năng đó luôn mở".