13:36 22/12/2010

Trung Quốc hứa giúp châu Âu vượt khủng hoảng

An Huy

Trung Quốc hứa sẽ tiếp tục phối hợp hành động để hỗ trợ sự bình ổn tài chính tại khu vực châu Âu

Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (phải) tiếp phái đoàn châu Âu tại Bắc Kinh hôm 21/12 - Ảnh: AP.
Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (phải) tiếp phái đoàn châu Âu tại Bắc Kinh hôm 21/12 - Ảnh: AP.
Trung Quốc hứa sẽ tiếp tục phối hợp hành động để hỗ trợ sự bình ổn tài chính tại khu vực châu Âu, trong đó có việc tiếp tục mua trái phiếu của các quốc gia là “tâm bão” của cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.

Thông tin trên được một số quan chức cấp cao của châu Âu đề nghị giấu tên tiết lộ với tờ Financial Times. Theo các nguồn tin này, trong cuộc Đối thoại cấp cao về kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU diễn ra tại Bắc Kinh hôm 21/12, Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã cam kết nước này sẽ thúc đẩy việc hỗ trợ châu Âu trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, trong tuyên bố đăng tải trên các tờ báo chính thức của Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn chỉ cho biết, Trung Quốc ủng hộ những biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra nhằm bình ổn tình hình tài chính tại khối Eurozone. Trong các thông tin chính thức này, Phó thủ tướng Trung Quốc không đưa ra chi tiết cụ thể nào về việc Trung Quốc sẽ cụ thể hóa sự ủng hộ đó ra sao.

Theo Financial Times, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, do vậy, Bắc Kinh rất quan tâm tới việc hỗ trợ khu vực này tái lập sự bình ổn. Thương mại hai chiều giữa EU và Trung Quốc đạt mức 434 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2009.

Sau khi những tuyên bố trên của phía Trung Quốc được đưa ra, giá trị của đồng Euro so với USD đã hồi phục, vì đây được giới đầu tư xem là một tín hiệu Trung Quốc sẽ tiếp tục chuyển một phần quan trọng trong dự trữ ngoại hối trị giá 2.650 tỷ USD của nước này thành trái phiếu quốc gia của khu vực Eurozone.

“Từ quan điểm của châu Âu, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với những nỗ lực của châu Âu và quốc tế nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính cho khu vực. Châu Âu đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công nên việc các đối tác quốc tế của chúng tôi bao gồm Trung Quốc thể hiện sự ủng hộ cho công tác chống khủng hoảng bằng cả lời nói và hành động là quan trọng và được đánh giá cao”, ông Olli Rehn, Cao ủy châu Âu về các vấn đề kinh tế và tiền tệ, phát biểu sau những tuyên bố của Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn.

Tuy nhiên, do Trung Quốc coi cấu thành kho dự trữ ngoại hối của nước này là một bí mật quốc gia, các quan chức châu Âu và Mỹ cho rằng, rất khó để xác định quy mô thực tế của lượng trái phiếu chính phủ và các loại tài sản khác mà Trung Quốc mua vào trên thị trường toàn cầu.

Mặc dù vậy, các quốc gia bao gồm Bồ Đào Nha và Hy Lạp tin rằng, Trung Quốc đã gom mua nợ công của họ với khối lượng đáng kể, và động thái này đã hỗ trợ tích cực cho thị trường trái phiếu chính phủ các quốc gia này trong bối cảnh khủng hoảng. Các nhà phân tích thì cho rằng, với quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và nhu cầu đa dạng hóa tài sản đầu tư bên cạnh trái phiếu kho bạc Mỹ, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn ngoài việc tiếp tục mua trái phiếu châu Âu trong dài hạn.

Tuy nhiên, quyết định trong ngắn hạn của Trung Quốc về việc lựa chọn loại tài sản để phân bổ kho dự trữ ngoại hối ngày càng lớn của nước này, cũng như thời điểm của việc gom mua tài sản đó, có thể rất quan trọng đối với các quốc gia châu Âu đang bị khủng hoảng nợ tấn công.

Theo nguồn tin của Financial Times, mặc dù chưa đưa ra mối ràng buộc nào giữa việc mua nợ công của châu Âu với một vấn đề cụ thể nào đó, nhưng trong cuộc đối thoại, Trung Quốc đã đề nghị phía châu Âu công nhận địa vị nền kinh tế thị trường và ngừng lệnh cấm vận vũ khí đã lâu đối với Trung Quốc.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của tờ Finanancial Times, Cao ủy thương mại của châu Âu Karel de Gucht khẳng định, việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc - lệnh cấm vận có từ vụ Thiên An Môn năm 1989 - đòi hỏi phải có sự nhất trí của tất cả các thành viên EU, một việc mà giới phân tích cho là khó có thể xảy ra.

Ông De Gucht cũng nói thêm rằng, Trung Quốc đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đáp ứng những yêu cầu của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) về địa vị nền kinh tế thị trường, nhưng nước này vẫn cần phải nỗ lực nhiều để EU có thể chính thức công nhận là có nền kinh tế thị trường.