11:37 13/12/2017

Trung Quốc lắp đặt mạng lưới camera giám sát nhận diện lớn nhất thế giới

Đức Anh

Hệ thống này có thể nhận diện một trong 1,3 tỷ công dân Trung Quốc chỉ trong vài giây

20171213085658

Trung Quốc đang xây dựng hệ thống giám sát lớn nhất thế giới với hàng trăm triệu camera và có khả năng tự động nhận diện công dân dựa trên công nghệ tiên tiến và dữ liệu lớn.

Theo Global News, Xu Chiheng, 27 tuổi, nhà đồng sáng lập SenseTime – công ty phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt, là một trong những doanh nhân trẻ đang tận dụng các tiến bộ công nghệ và thị trường đầy tiềm năng tại Trung Quốc. Dự kiến, sau khi hoàn thành vòng gọi vốn hiện tại, startup này sẽ có giá trị 2 tỷ USD.

SenseTime cùng nhiều công ty Trung Quốc khác đang dẫn đầu cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này trên toàn cầu. Một trong những khách hàng lớn nhất của những công ty như SenseTime là chính phủ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã và đang liên tục khuyến khích việc phát triển công nghệ này, Wang Shengjin, giáo sư Khoa kỹ thuật điện tử Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho biết.

Trong khi trên thế giới, công nghệ như thế này đối mặt với những quan ngại về sự riêng tư, thì tại Trung Quốc, người dân có thái độ không rõ ràng khi mọi hoạt động của mình đều bị giám sát.

"Tôi cho rằng, cuộc sống của mỗi người đều tồn tại những vấn đề liên quan đến sự an toàn và sự riêng tư. Khi hai điều này xung đột, người Trung Quốc có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn tới sự an toàn", Wang nói.

Những công ty như Cloudwalk - với nhiều khách hàng là các sở cảnh sát Trung Quốc, cũng đang phát triển các công nghệ mà họ cho biết có thể "dự báo được hành vi phạm tội".

Chính phủ Trung Quốc cũng đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ, đủ lớn để khi đưa vào sử dụng có thể nhận diện bất kỳ công dân nào trong vài giây thông qua hệ thống camera toàn quốc, theo một đăng tải trên trang South China Morning Post hồi tháng 10.

Các công nghệ nhận diện khác được phát triển nhằm mục đích làm những điều mà hệ thống nhận diện khôn mặt hiện chưa làm được.Trong đó, Bắc Kinh đang xây dựng cơ sở dữ liệu về giọng nói để nhận diện một người dựa trên cách phát âm và nói chuyện của họ, theo Human Rights Watch.

Năm 2015, cảnh sát nước này đã thu thập 70.000 mẫu giọng nói tại tỉnh An Huy – nơi đang diễn ra các cuộc thử nghiệm về nhận diện giọng nói, Human Rights Watch cho biết.

Một phương thức nhận diện khác là qua bước đi của một người. Công nghệ nhận dạng bước đi cho phép nhận diện một người ở khoảng cách xa hơn, khi không thể quét được khuôn mặt họ. Công nghệ này đang được phát triển bởi Watrix – công ty cho biết đang xây dựng công nghệ nhận diện có tính ứng dụng thương mại tiên tiến nhất thế giới.

Watrix đang hợp tác với một lưc lượng nhỏ cảnh sát Trung Quốc để thử nghiệm công nghệ này trên tù nhân, CEO Huang Yongzhen của công ty này cho biết.