Trung Quốc mạnh tay dẹp nạn ly hôn giả để mua lách luật bất động sản
Nhiều cặp vợ chồng tại các thành phố lớn của Trung Quốc ly hôn giả để lách quy định giới hạn số lượng nhà được phép sở hữu của mỗi hộ gia đình
Chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) mới đây công bố một loạt biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản, trong đó có việc ngăn chặn lỗ hổng từ lâu đã bị nhiều cặp vợ chồng lợi dụng để mua thêm nhiều bất động sản hoặc vay thế chấp - đó là ly hôn giả.
Thành phố này cũng sẽ áp thuế đối với các giao dịch bán nhà trong vòng 5 năm kể từ khi mua, nâng lên từ mức 2 năm trước đó.
"Các biện pháp này nhằm thi hành triệt để các quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tái khẳng định lập trường chính sách rằng nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ", chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết trong một thông cáo, đề cập đến cam kết hạ nhiệt thị trường địa ốc để giá nhà nằm trong khả năng chi trả của người dân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo Pan Hao, nhà phân tích địa ốc tại KE Holdings Inc., với các chính sách mới, Thượng Hải nối gót các thành phố lớn của Trung Quốc bao gồm Thâm Quyến và Hàng Châu, để dẹp nạn đầu cơ bất động sản qua hình thức ly hôn giả từ năm 2018.
Khi mà hầu hết các thành phố của Trung Quốc hạn chế nhu cầu mua nhà bằng cách giới hạn số lượng bất động sản mà một hộ gia đình có thể sở hữu, ly hôn trở thành một giải pháp mà nhiều cặp vợ chồng sử dụng để lách luật.
Tại Thượng Hải, mỗi hộ gia đình được phép mua 2 căn nhà. Tuy nhiên, theo quy định mới, số lượng nhà một người ly hôn trong vòng 3 năm sở hữu sẽ được tính dựa trên tổng số lượng nhà mà họ có khi còn kết hôn.
Đầu tháng này, chính quyền thành phố Thâm Quyến cũng siết chặt các quy định mua nhà. Với giá một căn hộ cao gấp 43,5 lần so với lương trung bình năm của cư dân, khả năng mua nhà của người dân Thâm Quyến chỉ cao hơn Hồng Kông một chút và thấp nhất trong tổng số 80 siêu đô thị tại Trung Quốc đại lục, theo hãng bất động sản E-House (China) Enterprise Holdings Ltd.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng quyết tâm kiểm soát rủi ro trên thị trường nhà ở bởi sau khi các chính sách tiền tệ được nới lỏng, thị trường này đã phục hồi mạnh mẽ. Đầu tháng này, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã lần đầu tiên giới hạn các khoản cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Theo China Real Estate Information, giá nhà hiện tại ở các dự án nổi tiếng tại Thượng Hải đã tăng hơn 30% trong năm ngoái. Số lượng các giao dịch nhà ở tại thành phố này cũng tăng gần gấp đôi trong tháng 12/2020 so với cùng kỳ năm trước, theo KE Holdings.
Các biện pháp mới càng thêm thắt chặt các quy định mua nhà vốn đã rất nghiêm ngặt tại thành phố Thượng Hải. Năm 2016, thành phố này đã nâng mức thanh toán bắt buộc ban đầu đối với giao dịch bất động sản lên tới 70% để giảm nhu cầu.
"Chính sách mới của Thượng Hải được đưa ra nhanh hơn dự báo và là một lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các thị trường khác", Ding Zuyu, đồng chủ tịch E-House, nhận xét. "Điều này có thể giúp hạn nhiệt thị trường nhà ở tại Thượng Hải trong ngắn hạn".
Trong khi đó, Sinolink Securities dự báo giá bất động sản nhà ở tại Thượng Hải sẽ còn tăng hơn nữa (dù tăng chậm) trong năm nay bất chấp các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường.
"Giá nhà tại một số khu vực trung tâm thành phố thậm chí còn tăng mạnh hơn nữa do nhu cầu tại đây cao và các khu đất dành cho phát triển dự án nhà ở trong tương lai chủ yếu nằm ở khu vực ngoại ô", Sinolink Securities cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.