12:50 11/07/2012

Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?

Hoài An

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, quan hệ giữa nước này với châu Phi đang đứng trước thời điểm lịch sử

Dòng tiền đầu tư của Trung Quốc mang theo nhiều lao động nước này tới châu Phi - Ảnh: Time.
Dòng tiền đầu tư của Trung Quốc mang theo nhiều lao động nước này tới châu Phi - Ảnh: Time.
Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Nhân dân Trung Quốc - châu Phi (AU) ngày hôm qua (10/7), Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh vai trò quan trọng của lục địa đen đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo ông Tập, châu Phi hiện là khu vực tập trung nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới. Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và châu Phi đứng trước thời điểm lịch sử cũng như cơ hội phát triển mới.

Bài viết mới đây trên tờ The New Times cũng cho rằng, sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc ở châu Phi có thể giúp phát triển kinh tế-xã hội khu vực, song sự tăng cường quan hệ này đối đầu với lợi ích Mỹ và có thể gây hệ luỵ cho tương lai của châu lục.

Dưới nhan đề “Trung Quốc muốn gì ở châu Phi”, bài viết của tác giả Oscar Kimanula đưa ra nhận định rằng, đối với Trung Quốc, châu Phi là nguồn cung cấp than đá và dầu mỏ giá rẻ, hai loại tài nguyên quan trọng đối với nhu cầu năng lượng của họ.

Còn đối với các quốc gia châu Phi, Trung Quốc là một đối tác thương mại lý tưởng vốn ít khi đặt điều kiện tiên quyết về mặt chính trị đối với những nước sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho họ và còn thường xuyên hậu thuẫn các nước này về mặt ngoại giao.

Theo một báo cáo do Fitch Ratings công bố hồi đầu năm nay, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đang bùng nổ. Xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc trong thập niên qua tăng hơn 3 lần, từ 100 tỷ USD lên 330 tỷ USD vào cuối năm 2010.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hướng sang châu Phi cũng đã tăng từ 5% lên 17% để nhanh chóng đuổi kịp thị phần của các đối tác xuất khẩu truyền thống vào châu Phi như Mỹ và châu Âu.

Nhìn tổng thể, cán cân thương mại vẫn còn nghiêng về các nước châu Phi bởi tính trung bình các nước này xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ như trường hợp của Nigeria, Kenya hay Cameroon.

Các nước này nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất. Thực tế này được giải thích bởi thế mạnh của Trung Quốc trong xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến. Năm 2010, 60% nhập khẩu hàng dệt may của châu Phi đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số FDI của châu lục này, cho dù chỉ trong vòng 10 năm qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cho châu Phi vay nhiều hơn cả Ngân hàng Thế giới (WB).

Từ 2001-2010, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho châu Phi vay 67,2 tỷ USD, trong khi vốn của WB dành cho lục địa này là 54,7 tỷ USD. Các khoản tín dụng mà Eximbank cấp có lãi suất thấp hơn nhiều ngân hàng quốc tế và điều kiện đi kèm dễ chịu.

Theo Kimanula, các nước tài trợ phương Tây hay còn gọi là các đối tác phát triển, luôn áp đặt đòi hỏi buôn bán tự do, mở rộng thị trường và tiến hành tư nhân hoá, những điều không thể thực hiện được trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng.

Trong khi đó, Trung Quốc một mặt thúc đẩy các công ty quốc doanh tìm cách ký kết hợp đồng với các nước châu Phi có dầu lửa, nhôm, đồng hay gỗ, mặt khác Bắc Kinh khuyến dụ lôi kéo các chính phủ bằng ngoại giao, viện trợ, thỏa hiệp thương mại hay xóa nợ.

Chính vì thế, sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với châu Phi là rất hợp thời trong bối cảnh kinh tế của nhiều nước châu Phi vẫn còn trì trệ và phương Tây liên tục đặt các câu hỏi khó chịu về minh bạch hoá, trách nhiệm, nhân quyền và mở cửa kinh tế.

Hàng loạt dự án bị xếp xó thời gian dài đã được khôi phục, trong khi nhiều thương vụ mới về dầu mỏ và các hiệp định hợp tác được ký kết trong các cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nhờ vậy, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư hàng đầu.

Bên cạnh việc cung cấp những khoản tín dụng giá rẻ, từ năm 1963 đến nay, Trung Quốc đã cử hơn 15.000 bác sĩ tới điều trị cho gần 180 triệu người bị nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác tại hàng chục quốc gia ở châu Phi.

Tuy nhiên, Kimanula cho rằng, mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và châu Phi lại xung đột trực tiếp tới lợi ích của Mỹ, quốc gia cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đa dạng hoá các nguồn dầu mỏ nhập khẩu của mình.

Do vậy, tác giả cho rằng, điều mà châu Phi cần phải học là làm sao nêu ra được những lợi ích sống còn của mình và tránh phải tiếp tục là sàn tiêu thụ các sản phẩm hạng hai của Trung Quốc trong khi là nguồn cung cấp tài nguyên thô với cái giá rẻ mạt.

Thêm vào đó, mặc dù sự phát triển cùng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã lôi kéo được nhiều chính phủ ở châu Phi, song một số nước, chẳng hạn như Gana và Nam Phi, cũng đã phàn nàn về “tác động tiêu cực từ hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc”.

Các công ty Trung Quốc coi châu Phi là một thị trường tốt để tiêu thụ sản phẩm công nghiệp giá rẻ, đồng thời cũng là môi trường thuận lợi để sản xuất một số mặt hàng chẳng hạn như vải và quần áo để có thể đi vòng qua hạn ngạch nhập cảng vào châu Âu và Mỹ.

Ngoài ra, theo Fitch, FDI của Trung Quốc chỉ tập trung vào một số nước như Nam Phi, Nigeria, Zambia, Congo và Angola. Một số ngân hàng của Trung Quốc có vai trò đáng kể tại châu Phi, lại chủ yếu coi trọng dự án hạ tầng, ít chú ý phát triển kinh tế tổng thể.

Kimanula thừa nhận, cho dù nhìn nhận vấn đề đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi theo cách nào, thì đối với người dân lục địa này, sự trỗi dậy Trung Quốc như một thế lực toàn cầu vẫn là điều tốt, giúp họ thoát ra khỏi quá khứ thuộc địa cay đắng.

Từ các nhà buôn vải Trung Quốc ở Lesotho, khách du lịch ở Zimbabwe cho tới kỹ sư xây dựng cầu đường ở Ethiopia, chuyên gia địa chất ở Sudan… đều là những bằng chứng không thể chối cãi về chỗ đứng của người Trung Quốc tại châu Phi.