07:57 20/10/2011

Trung Quốc muốn giá đất hiếm tiếp tục ở mức cao?

An Huy

Nhà sản xuất đất hiếm Baotou ngừng hoạt động trong một tháng nhằm nỗ lực hỗ trợ cho giá đất hiếm đang trên đà lao dốc mạnh

Trung Quốc hiện là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới.
Trung Quốc hiện là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới.
Nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới của Trung Quốc Baotou ngừng hoạt động trong một tháng nhằm nỗ lực hỗ trợ cho giá đất hiếm đang trên đà lao dốc mạnh, báo Financial Times đưa tin. Báo này bình luận, đây là tín hiệu rõ nét nhất cho thấy các hãng khai thác đất hiếm của Trung Quốc muốn giữ giá các loại khoáng sản này ở mức cao.

Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm trên 95% sản lượng đất hiếm của thế giới. Năm nay, việc Trung Quốc thắt chặt nguồn cung và xây dựng kho dự trữ chiến lược khoáng sản này đã đẩy giá đất hiếm trên thị trường thế giới tăng vọt. Trong nửa đầu năm, giá một số loại đất hiếm đã tăng tới hơn 8 lần, theo báo Financial Times.

Tuy nhiên, kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 7, giá đất hiếm đã liên tục “đổ đèo”. Đặc biệt, tốc độ giảm giá đất hiếm đã tăng mạnh trong tuần qua. Trên sàn giao dịch kim loại ở Thượng Hải, giá đất hiếm Neodymium, loại sử dụng trong nam châm, đã giảm 9%, trong khi giá đất hiếm Lanthanum dùng cho bộ lọc khí thải đã giảm 12% chỉ trong vòng có 1 tuần.

Financial Times bình luận, động thái tạm ngưng sản xuất của Baotou cho thấy, nỗ lực kiểm soát giá đất hiếm của Trung Quốc có thể lớn hơn những gì giới quan sát từng nghĩ.

Từ năm ngoái, các nhà giao dịch đã phàn nàn rằng, cơ quan hải quan Trung Quốc yêu cầu viết lại các hợp đồng giao dịch đất hiếm để tuân thủ một “danh mục bí mật” giá đất hiếm cao, nhưng những mức giá cao này vẫn còn chấp nhận được và cách làm này cũng có ảnh hưởng không lớn tới thị trường khi mà giá đất hiếm khi đó chỉ có tăng.

Sau khi thực hiện cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm vào năm ngoái, năm nay, Bắc Kinh tập trung vào công tác “làm sạch tận gốc” ngành công nghiệp này thông qua việc đóng cửa các mỏ khai thác và trung tâm chế biến đất hiếm bất hợp pháp vốn là nguồn gây ô nhiễm.

Giới kinh doanh đất hiếm ở Trung Quốc tin rằng, những động thái cải tổ như vậy nhằm mục đích tăng cường sự kiểm soát đối với lĩnh vực trước đây còn manh mún này. Tháng 5 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố cho 3 công ty quốc doanh dẫn đầu việc cải tổ lĩnh vực đất hiếm ở khu vực miền Nam.

Baotou là công ty kiểm soát 40% sản lượng đất hiếm của Trung Quốc thông qua các mỏ ở khu vực Nội Mông. Ngày 18/10, công ty này cho biết sẽ tạm ngưng sản xuất 1 tháng tại tất cả các mỏ để “bình ổn thị trường và cân bằng cung-cầu”, bắt đầu từ ngày 19/10. Việc tạm ngừng hoạt động này cũng cắt nguồn cung đất hiếm chưa qua xử lý cho các nhà máy xử lý đất hiếm mua nguyên liệu từ Baotou.