09:18 16/04/2012

Trung Quốc nới biên độ tỷ giá: “Một tên hai đích”?

Cao Hiền

Bắt đầu từ hôm nay (16/4), biên độ tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD sẽ được nới rộng thêm 0,5%

Lâu nay, Mỹ và một số nước châu Âu vẫn cho rằng Trung Quốc cố tình kìm giá Nhân dân tệ để được hưởng lợi xuất khẩu phi pháp.
Lâu nay, Mỹ và một số nước châu Âu vẫn cho rằng Trung Quốc cố tình kìm giá Nhân dân tệ để được hưởng lợi xuất khẩu phi pháp.
Bắt đầu từ hôm nay (16/4), biên độ tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD sẽ được nới rộng thêm 0,5%, hãng tin Reuters dẫn thông báo ngày 14/4 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho hay.

Theo thông báo, kể từ ngày 16/4, các tổ chức tín dụng được phép mua bán Nhân dân tệ và USD trong biên độ cộng trừ 1%, thay vì mức 0,5% như hiện nay, so với tỷ giá chính thức được ngân hàng trung ương ấn định.

Biện pháp này nhằm tạo thuận lợi cho đồng Nhân dân tệ được dao động theo luật cung cầu của thị trường. Cùng với thông báo, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cam kết tiếp tục duy trì tỷ giá Nhân dân tệ ở mức ổn định.

Đài RFI của Pháp dẫn ý kiến của một số nhà phân tích cho rằng, quyết định của Trung Quốc về việc nới lỏng biên độ tỷ giá hối đoái giữa Nhân dân tệ và USD có thể ví như một mũi tên trúng hai đích.

Trong đó, cái đích thứ nhất là giúp Trung Quốc bảy tỏ thiện chí với quốc tế vào lúc Mỹ và châu Âu liên tục đòi Bắc Kinh nâng giá đồng Nhân dân tệ. Hai là, trong tương lai Trung Quốc có thể cột chặt Nhân dân tệ vào một rổ tiền tệ để giảm bớt độ rủi ro.

Lâu nay, Mỹ và một số quốc gia châu Âu luôn cáo buộc Trung Quốc kìm giữ đồng Nhân dân tệ ở mức thấp để hỗ trợ cho các ngành hàng xuất khẩu của nước này được hưởng lợi ích phi lý.

Bất chấp việc Trung Quốc từng bước nâng dần tỷ giá, song những tố cáo này vẫn được duy trì và thậm chí dày hơn. Mới đây nhất, hôm 14/4, ngay sau thông báo của PBoC, Nhà Trắng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc cần có động thái mạnh mẽ hơn nữa.

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Colombia, cố vấn cao cấp Nhà Trắng Ben Rhodes nói: “Họ đã có một số tiến bộ, nhưng chúng tôi muốn thêm nhiều động thái nữa. Chúng tôi ghi nhận thông báo này và sẽ xem xét chặt chẽ”.

Ông này nói thêm rằng, “Chúng tôi luôn mong muốn các nhà chức trách Trung Quốc thực hiện thêm các bước cần thiết để đưa đồng tiền của họ phù hợp với giá trị thị trường”.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, động thái này là một bước đi mạnh mẽ. Theo lời Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, quyết định này là một bước quan trọng của PBoC trong việc tăng cường tính linh hoạt của đồng Nhân dân tệ.

Còn Jim O'Neil, Chủ tịch Hãng quản lý tài sản Goldman Sachs, "cha đẻ" của thuật ngữ BRIC thì cho rằng, thay đổi này tăng thêm niềm tin vào quá trình "hạ cánh mềm" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đài RFI của Pháp cũng dẫn lời một chuyên gia tài chính thuộc ngân hàng Bank of America cho hay, việc PBoC cho phép tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và USD dao động đến 1% là "một bước tiến quan trọng để hướng tới một hệ thống tiền tệ mới".

Trong hệ thống tiền tệ mới này, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ được cột chặt vào một rổ gồm nhiều loại tiền tệ khác nhau, thay vì chỉ căn cứ vào một đơn vị tiền tệ duy nhất là đồng bạc xanh như hiện tại.

Một lý do khác cũng không thể không tính đến trong động thái tài chính của Trung Quốc là việc đưa đồng Nhân dân tệ tiến gần hơn thị trường toàn cầu, chuẩn bị cho việc đưa đồng tiền này trở thành một phương tiện thanh toán quốc tế vào năm 2015.

Kế hoạch quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ đã được Trung Quốc thực hiện trong vài năm gần đây và đã có được những bước tiến quan trọng.

Kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra một số bước đi nhằm tạo điều kiện cho dòng tiền Nhân dân tệ chảy vào và ra khỏi đại lục, mặc dù vẫn còn chặng đường khá xa để Bắc Kinh có thể cho phép đồng Nhân dân tệ được giao dịch tự do.

Bên cạnh đó, các giao dịch thương mại bằng Nhân dân tệ, được khởi động từ một số chương trình có giới hạn năm 2009, đã bắt đầu phát triển trên toàn Trung Quốc, và hiện chiếm khoảng 10% tổng thương mại của Trung Quốc.

Tờ Wall Street Journal mới đây cho biết, Trung Quốc đang cân nhắc mở rộng khả năng của các công ty nước này đi vay nợ các khoản tín dụng bằng Nhân dân tệ từ bên ngoài Trung Quốc.

Ngay từ cuối năm ngoái, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu cho phép các công ty phi tài chính thuộc đại lục bán các trái phiếu bằng Nhân dân tệ tại Hồng Kông.

Tuy nhiên, cho tới giờ, các công ty Trung Quốc vẫn chịu hạn chế trong việc tiếp cận trực tiếp tín dụng bằng Nhân dân tệ từ các ngân hàng nước ngoài.

Wall Street Journal dẫn lời một số chuyên gia cho rằng việc củng cố khả năng của các công ty Trung Quốc trong khả năng vay nợ từ nước ngoài có thể giúp Trung Quốc tiến gần hơn tới hệ thống lãi suất thị trường.