10:29 21/03/2022

Trung Quốc nói sự trừng phạt nhằm vào Nga “ngày càng tàn nhẫn”

Trang Linh

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt không thể giải quyết vấn đề, mà chỉ gây tổn hại cho dân thường và ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu...

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành - Ảnh: Getty Images
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành - Ảnh: Getty Images

Tại một diễn đàn về an ninh vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yu Cheng) nhận xét rằng những biện pháp trừng phạt mà các chính phủ phương Tây áp đặt với Nga do cuộc xung đột ở Ukraine đang “ngày càng tàn nhẫn”.

“Các biện pháp trừng phạt với Nga đang ngày càng trở nên tàn nhẫn. Nhiều công dân Nga đã bị tước đoạt tài sản của họ ở nước ngoài mà chẳng có lý do gì”, ông Lạc nói.  

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng "lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt không thể giải quyết vấn đề. Trừng phạt chỉ gây tổn hại cho những người dân bình thường và ảnh hưởng tới hệ thống kinh tế và tài chính…, gây hại cho nền kinh tế toàn cầu”.

Theo Reuters, đến nay, dù bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc”, Trung Quốc vẫn chưa lên án hành động của Nga ở Ukraine. Bắc Kinh cũng phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì cuộc xung đột này, cho rằng đó là hành động đơn phương và không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép.

Tại diễn đàn trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ghi nhận quan điểm của Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng liên minh này không nên mở rộng hơn nữa về phía Đông, dồn một cường quốc hạt nhân như Nga "vào chân tường".

Nga gọi những hành động của mình ở Ukraine là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, không phải nhằm chiếm lãnh thổ mà để loại bỏ khả năng đe dọa an ninh từ nước láng giềng và bắt những kẻ mà Moscow cho là đối tượng theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.

Hôm thứ Sáu, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Mỹ đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc về “những hậu quả” mà Bắc Kinh phải đối mặt nếu hỗ trợ về vật chất cho cuộc tấn công của Nga.

Tại cuộc điện đàm, cả ông Biden và ông Tập đều thống nhất cần thúc đẩy hòa bình và hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra do "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở nước láng giềng. Tuy nhiên, hai bên bất đồng sâu sắc về việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra ở Ukraine, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chối cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm toàn bộ cho cuộc tấn công.

Trước đó, người phát ngôn chính phủ của cả Nga và Trung Quốc đều công khai phủ nhận rằng Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những biện pháp trừng phạt chưa có tiền lệ mà Mỹ và các nước đồng minh phương Tây áp đặt với Nga đã khiến nước này bị cô lập và có thể buộc phải tìm kiếm hỗ trợ về tài chính cũng như quân sự.

Hiện tại, Nga là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới với hơn 5.000 biện pháp trừng phạt, vượt qua Triều Tiên và Iran. Hàng nghìn cá nhân và thực thể Nga đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây. Trong đó, một số tỷ phú đã bị tịch thu du thuyền xa xỉ khi đang neo đậu ở châu Âu. 

Các biện pháp trừng phạt đang cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu, khiến Moscow không thể tiếp cận phần lớn tài sản dự trữ của mình và đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đã tuyên bố rút khỏi hoặc tạm dừng hoạt động tại Nga. Tuy nhiên, sự trừng phạt này cũng đang gây tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu mới chỉ chập chững phục hồi sau hai năm đại dịch Covid-19.