17:41 16/05/2019

Trung Quốc phản đối mạnh sắc lệnh nhằm vào Huawei của ông Trump

Bình Minh

Việc Mỹ “siết gọng kìm” đối với Huawei diễn ra khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang bế tắc

Bên trong một cửa hiệu bán lẻ của Huawei ở Thượng Hải, ngày 16/5/2019 - Ảnh: Reuters.
Bên trong một cửa hiệu bán lẻ của Huawei ở Thượng Hải, ngày 16/5/2019 - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc phản đối mạnh các quốc gia khác áp đặt biện pháp trừng phạt đơn phương lên các thực thể của nước này, một người phát ngôn cho biết ngày 16/5, sau khi Mỹ đưa ra những biện pháp hạn chế mới nhất đối với công ty sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei.

Mỹ nên tránh việc gây thêm ảnh hưởng lên quan hệ thương mại Mỹ-Trung, hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Gao Feng của Bộ Thương mại Trung Quốc phát biểu tại một cuộc họp báo hàng tuần.

Ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đưa Huawei và 70 công ty con vào một "danh sách đen" có tên gọi "Entity List" (Danh sách thực thể). Động thái này nhằm mục đích làm cho Huawei không thể mua được linh kiện và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu không có sự cho phép của Chính phủ Mỹ.

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh điều hành cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty bị cho là đặt ra nguy cơ về an ninh quốc gia. Sắc lệnh này không nêu tên cụ thể công ty hay quốc gia nào, nhưng giới chức Mỹ từ lâu đã gọi Huawei là một "mối nguy" và vận động các nước đồng minh không sử dụng thiết bị Huawei cho mạng viễn thông thế hệ tiếp theo 5G.

"Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng khái niệm an ninh quốc gia không nên bị lạm dụng, và khái niệm này không nên được sử dụng như một công cụ của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch", ông Gao nói.

"Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo tuyệt đối các quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Trung Quốc".

Huawei ngày 16/5 cũng đã lên tiếng về động thái của Mỹ nhằm vào công ty này, nói rằng những hạn chế mà Mỹ đặt ra đối với Huawei sẽ "khiến Mỹ tụt hậu trong việc triển khai mạng 5G và rốt cục sẽ gây phương hại lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ".

Việc Mỹ "siết gọng kìm" đối với Huawei diễn ra đúng lúc Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông sẽ sớm đến Trung Quốc để dự vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa hai nước.

Mấy ngày trở lại đây, đàm phán thương mại Mỹ-Trung lâm vào bế tắc, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ, khi hai nước lại "ăn miếng trả miếng" bằng cách áp thuế lên hàng hóa của nhau.

Quan điểm của ông Trump ở thời điểm hiện nay được đánh giá là khó đoán định. Trước khi có động thái cứng rắn với Huawei, vào hôm thứ Ba, ông đã đưa ra những phát biểu mềm mỏng hơn, bao gồm nói rằng đàm không đổ vỡ và ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6.

Khi được hỏi có phải ông Trump và ông Tập bắt buộc phải gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn thương mại, ông Gao trả lời là không phải. Tuy nhiên, ông nói chưa có thông tin gì về việc sắp có một phái đoàn Mỹ đến Trung Quốc đàm phán.

Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ nhượng bộ trước sức ép từ Mỹ. Nước này đã khẳng định không khuất phục trước áp lực từ bên ngoài và Mỹ không nên đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình.