Trung Quốc quyết tâm chặn nhập khẩu rác thải
Siết nhập khẩu rác là một phần trong cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc và giúp nước này “nâng cấp” nền kinh tế
Hải quan Trung Quốc đã bắt giữ 110.000 tấn rác thải rắn nhập lậu vào nước này từ đầu năm đến nay và phá 25 đường dây buôn lậu rác, trong bối cảnh Bắc Kinh thực thi lệnh cấm nhập khẩu rác từ nước ngoài ban hành vào năm 2017.
Theo hãng tin Reuters, năm ngoái, Trung Quốc đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc nước này sẽ ngừng nhập khẩu 24 loại rác thải từ nước ngoài, bao gồm giấy vụn và vải vụn. Trong đó, Trung Quốc sẽ cấm nhập tất cả mọi loại rác gia đình.
Việc siết nhập khẩu rác, mặt hàng có mức nhập khẩu lên tới 47 triệu tấn vào Trung Quốc trong năm 2015, là một phần trong cuộc chiến chống ô nhiễm của nước này và nhằm giúp Trung Quốc "nâng cấp" nền kinh tế, tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực thi lệnh cấm này là một trong những ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2018.
Tuy nhiên, buôn bán rác thải vẫn là một lĩnh vực kinh doanh nhiều lợi nhuận. Theo số liệu của Viện Công nghiệp tái chế rác thải Mỹ, xuất khẩu phế thải của Mỹ sang Trung Quốc đạt 5,6 tỷ USD trong năm 2016.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết lượng rác thải nhập lậu vào nước này bị bắt giữ từ đầu năm tới nay bao gồm 64.700 tấn xỉ. Đến ngày 2/4, đã có tổng cộng 52 người bị nhà chức trách Trung Quốc bắt vì nhập lậu phế thải.
Trong năm 2017, Trung Quốc bắt tổng cộng 259 liên quan đến các vụ nhập lậu rác, trong đó một số nhóm bị cho là đã đưa các container chứa rác thải điện tử từ Hồng Kông tới Triều Tiên, rồi sau đó vận chuyển qua biên giới vào Trung Quốc nhằm lách lệnh cấm.
Tuần trước, Bộ Sinh thái và Môi trường mới được thành lập của Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống rác thải ngoại nhập, gọi đây là "một biện pháp mang tính biểu tượng trong việc tạo ra một nền văn minh sinh thái ở Trung Quốc".
Tháng trước, Mỹ đã đề nghị Trung Quốc không thực thi lệnh cấm nhập rác thải, nói rằng lệnh cấm này có thể gây gián đoạn thương mại vật liệu thải toàn cầu.
Trong một sự đáp trả mạnh mẽ đối với lời kêu gọi trên của Mỹ, tờ Nhân dân Nhật báo cáo buộc Mỹ "đạo đức giả", nói rằng các quốc gia phát triển nên cảm thấy cắt rứt lương tâm vì "không muốn trả cái giá của việc tự mình chế biến các loại phế thải độc hại của chính mình".