14:35 22/06/2015

Trung Quốc rót hàng tỷ USD vào nghiên cứu ở Mỹ

DIỆU MINH

Doanh nghiệp Trung Quốc tích cực tìm cách tận dụng nguồn chất xám ở Mỹ

ZTE Corp, một trong những doanh nghiệp Trung Quốc đi đầu trong việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở Mỹ - Ảnh: Reuters.
ZTE Corp, một trong những doanh nghiệp Trung Quốc đi đầu trong việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở Mỹ - Ảnh: Reuters.
Đầu tư của Trung Quốc vào các phòng nghiên cứu tại Mỹ tăng vọt trong những năm gần đây do doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách tận dụng nguồn chất xám ở Mỹ nhằm cải tiến sản xuất.

Điều này giúp Trung Quốc ngày càng sở hữu nhiều bằng sáng chế và hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ vị trí công xưởng của thế giới sang giai đoạn phát triển với chất lượng kỹ thuật và công nghệ cao hơn.

Chỉ cách đây một thập kỷ, các doanh nghiệp Trung Quốc hầu như vắng bóng tại các trung tâm nghiên cứu của Mỹ. Hiện nay, các công ty lớn của Trung Quốc như Huawei hay ZTE Corp đều đang sử dụng các nhà nghiên cứu Mỹ để tạo ra bằng sáng chế, từ phần mềm mới đến hạ tầng Internet, theo Reuters.

Tốc độ tăng trưởng đầu tư nhanh chóng của Trung Quốc vào nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Mỹ sẽ là một nội dung trọng tâm trong cuộc đối thoại kinh tế và an ninh vào thứ Ba và thứ Tư tuần này giữa quan chức cấp cao hai nước tại Washington, Mỹ.

Hai bên đang đàm phán để ký kết một hiệp định song phương về đầu tư, và hiệp định này có thể làm quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm sâu sắc bất chấp những căng thẳng liên quan đến sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc.

Dù không có hiệp định này, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang ồ ạt rót vốn vào nghiên cứu cũng như mua tài sản trên đất Mỹ. Hầu hết doanh nghiệp Trung Quốc chọn cách đầu tư vào những công ty Mỹ đã hoạt động ổn định.

Các phát minh được đăng ký bằng sáng chế của doanh nghiệp Trung Quốc trong đó có mặt ít nhất một nhà nghiên cứu Mỹ mỗi năm lại tăng gấp đôi trong vòng ba năm liên tiếp vừa qua, và đạt mức 910 phát minh trong năm 2014.

“Không có cải tiến, thì ngay cả thị trường trong nước cũng khó mà giành được”, Vincent Xiang, trưởng bộ phận đầu tư quốc tế của Humanwell Healthcare, một công ty dược Trung Quốc, nhận định. Công ty này đã đầu tư 50 triệu USD để thiết lập một cơ sở nghiên cứu đặt tại bang New Jersey, Mỹ, với vài chục nhà nghiên cứu.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ đã tăng từ vài chục triệu USD mỗi năm cách đây một thập kỷ lên mức 11,9 tỷ USD vào năm 2014. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức rất nhỏ so với quy mô hai nền kinh tế, và thành quả của hoạt động nghiên cứu phát triển của Trung Quốc tại Mỹ vẫn khá khiêm tốn so với tổng số bằng sáng chế được đăng ký ở Mỹ mỗi năm.

Hiện doanh nghiệp Đức và Canada vẫn dẫn đầu về việc tận dụng chất xám từ các phòng nghiên cứu Mỹ. Tính riêng năm ngoái, các công ty Đức đã đăng ký tới 1.416 bằng sáng chế từ những dự án sử dụng các nhà nghiên cứu Mỹ.

Thực tế, Trung Quốc hiện là nước có nhiều bằng sáng chế nhất thế giới, song các nhà kinh tế phát triển đã chỉ ra rằng các bằng sáng chế đăng ký trong nước do nhà nước tài trợ đều có chất lượng thấp. Trong khi đó, những phát minh do doanh nghiệp Trung Quốc “đặt hàng” ở Mỹ thì đều có chất lượng tốt. Ví dụ, Huawei có một bằng sáng chế về xử lý tín hiệu mắt được trích dẫn trong 101 phát minh sau đó.

Chiến lược phát triển bằng sáng chế quốc gia mới được Trung Quốc công bố mới đây lên kế hoạch phát triển công nghệ cho nước này từ nay đến năm 2020, trong đó chú trọng bảy ngành chiến lược, gồm công nghệ sinh học, năng lượng thay thế, phương tiện sử dụng năng lượng sạch, bảo tồn năng lượng, sản xuất thiết bị chất lượng cao, hạ tầng băng thông rộng và vật liệu bán dẫn cao cấp.

Trung Quốc cũng dự kiến tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lên mức 2,2% tổng thu nhập quốc dân trong năm nay, so với mức 1,75% vào năm 2010.