10:17 25/02/2008

Trung Quốc: Sau bão tuyết là bão giá

Trung Việt

Nỗ lực tái thiết sau thảm họa tuyết và bình ổn giá là nhiệm vụ còn nặng nề và nan giải hơn cả đối với Trung Quốc

Trung Quốc vừa trải qua đợt bão tuyết tồi tệ nhất trong vòng gần 6 thập kỷ.
Trung Quốc vừa trải qua đợt bão tuyết tồi tệ nhất trong vòng gần 6 thập kỷ.
Đợt bão tuyết tồi tệ nhất trong 50 năm vừa qua ở Trung Quốc đã làm hư hại khoảng 10% diện tích canh tác của nước này, tàn phá nhiều công trình, gây cản trở giao thông, đẩy giá cả nhu yếu phẩm tăng cao. Một số chuyên gia đã nâng dự báo lạm phát của Trung Quốc năm 2008 từ 4,5% lên 5%.

Đợt bão tuyết trải rộng gần 20 tỉnh và khu tự trị của Trung Quốc trong thời gian qua là một thử thách đối với Trung Quốc, song nỗ lực tái thiết sau thảm họa tuyết và bình ổn giá là nhiệm vụ còn nặng nề và nan giải hơn.

Ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nhất

Ngày 20/2, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (MOA) cho biết, khoảng 11,87 triệu ha cây trồng của nước này bị hỏng. Khoảng 7 triệu ha đất canh tác đã bị ảnh hưởng do bão tuyết, trong đó hơn 700 triệu ha mất trắng hoa màu. Bộ Dân chính cho biết, bão tuyết đã làm ít nhất 80 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến khoảng 100 triệu người.

Vân Nam là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề với 12 người chết, 4 người mất tích, ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 10 triệu người, làm hư hại trên 4.000 ngôi nhà, làm chết 300.000 đầu gia súc và tàn phá 700.000 ha cây trồng. Những ngày cuối tuần qua, tình trạng mưa tuyết và thời tiết giá lạnh vẫn tái diễn tại tỉnh Vân Nam, và một số địa phương khác như Thanh Hải, Tây Tạng... làm chậm quá trình khắc phục hậu quả.

Theo các chuyên gia, có nhiều dấu hiệu cho thấy thời tiết nửa cuối năm 2008 sẽ bất thường, nhất là tại các tỉnh phía Bắc Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ có những đợt bão cát nghiêm trọng.

Giải quyết không tốt vấn đề xây dựng lại sau thảm họa tuyết và vấn đề lạm phát, sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những việc lớn của Trung Quốc trong năm 2008 như tổ chức Olympic Bắc Kinh, mà còn liên quan đến đời sống của nhiều triệu người dân. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã phải đích thân đi đến các vùng bão tuyết, chỉ đạo công việc tại các mỏ than. Cả nước triển khai cứu viện, lực lượng quân đội và cảnh sát đã được huy động.

Trung tâm Chỉ huy Cứu trợ thiên tai khẩn cấp Trung Quốc cho biết, hệ thống giao thông vận tải trên toàn quốc cơ bản đã trở lại hoạt động bình thường. Tình hình cung cấp các nhu yếu phẩm như lương thực, thịt, rau, dầu ăn được khôi phục, nhưng tại các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Giang Tây, giá nhiều loại rau có xu hướng tăng lên.

Kiềm chế lạm phát, nhiệm vụ hàng đầu

Cục Lâm nghiệp nhà nước Trung Quốc đã chi 4,3 triệu Nhân dân tệ (597.200 USD) từ nguồn vốn cứu trợ thiên tai và phối hợp với Bộ Tài chính chi khẩn cấp thêm 30 triệu Nhân dân tệ để cứu trợ 6 tỉnh bị tổn thất nặng nhất. Đồng thời, nhanh chóng khôi phục diện tích rừng bị tàn phá; ngăn chặn tình trạng ép giá thu mua; kiểm soát để giá gỗ và lâm sản không giảm mạnh nhằm đảm bảo lợi ích của người dân.

Cơ quan Ngũ cốc Nhà nước Trung Quốc (SGA) cho rằng mặc dù trải qua những trận bão tuyết nghiêm trọng nhất trong vòng 5 thập niên qua, sản lượng ngũ cốc năm nay của nước này sẽ ổn định ở mức khoảng 500 triệu tấn, nếu không bị thêm vụ thiên tai lớn nào.

Các chuyên gia cho rằng việc khống chế lạm phát ở Trung Quốc sau đợt bão tuyết này là hết sức khó khăn, trong bối cảnh lạm phát ở nước này đã ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tháng 11 năm ngoái, lạm phát tại Trung Quốc đã lên mức 6,9%.

Khó khăn lớn nhất của Chính phủ Trung Quốc là việc giá nông sản tăng vọt, có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, nhất là trong dịp Tết vừa qua. Trong tháng 1, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc đã thông báo sẽ thắt chặt kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã công bố quyết định đánh thuế xuất khẩu 5-25% với ngô, gạo, đậu nành xuất khẩu, nhằm bình ổn giá trong nước.

Kiểm soát giá than đá-nguồn cung cấp 70% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, cũng là vấn đề nan giải. Vì 1/4 lượng than sản xuất trong nước của Trung Quốc được chuyên chở bằng xe tải. Việc nhiều tuyến đường bị hư hỏng và tắc nghẽn vừa qua đã làm rối loạn cung cầu, khiến giá than tăng. Trung Quốc lại quyết định để thị trường tự quyết định giá than trong năm 2008, giá mặt hàng này càng có nguy cơ tăng vọt.

Trung Quốc còn buộc phải chi nhiều khoản tiền đầu tư để sửa chữa hệ thống giao thông, điện, viễn thông bị hư hại. Vì vậy, bão tuyết không chỉ làm gia tăng lạm phát, mà còn ảnh hưởng chính sách thắt chặt đầu tư, hạn chế tình trạng kinh tế phát triển quá nóng của Trung Quốc.