10:37 04/09/2018

Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi lượng vốn rót vào "lục địa đen"

An Huy

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ xóa nợ cho một số quốc gia nghèo nhất ở châu Phi

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và các nhà lãnh đạo châu Phi tại  Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi diễn ra tại Bắc Kinh ngày 3/9 - Ảnh: EPA-EFE/SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và các nhà lãnh đạo châu Phi tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi diễn ra tại Bắc Kinh ngày 3/9 - Ảnh: EPA-EFE/SCMP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ xóa nợ cho một số quốc gia nghèo nhất ở châu Phi. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng cam kết tăng gấp đôi lượng vốn Trung Quốc rót vào "lục địa đen".

Theo hãng tin Bloomberg, tuyên bố trên được nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi diễn ra tại Bắc Kinh ngày 3/9. Lời hứa xóa, giảm nợ cho một số nước châu Phi được xem là một động thái nhằm phản bác lại sự chỉ trích nhằm vào Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình bảo vệ sáng kiến trên - một chương trình phát triển hạ tầng đường xá, cảng biển và đường ống dẫn năng lượng và các liên kết khác nhằm tạo ra một tuyến thương mại xuyên suốt từ châu Á, qua châu Phi và sang châu Âu.

Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc có kế hoạch xóa nợ là những khoản vay lãi suất thấp đáo hạn trước cuối năm nay cho một số nước châu Phi. Được xóa nợ sẽ là những nước nghèo và nặng nợ nhất châu lục, nhưng ông Tập Cận Bình không nói rõ đó là những nước nào.

Bên cạnh tuyên bố xóa nợ, Chủ tịch Trung Quốc công bố cho châu Phi vay thêm 60 tỷ USD, tương tự như số vốn mà Trung Quốc đã cam kết cho khu vực này vay cách đây 3 năm. Trong số vốn mới cam kết này sẽ bao gồm 20 tỷ USD hạn ngạch tín dụng, 15 tỷ USD vốn vay không tính lãi, 10 tỷ USD cho một quỹ đặc biệt, và 5 tỷ USD để hỗ trợ cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ châu Phi vào Trung Quốc.

"Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng những lời hứa đã đưa ra với những người anh em châu Phi của mình", ông Tập Cận Bình nói tại cuộc gặp có sự tham gia của các nhà lãnh đạo châu Phi, bao gồm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh, và Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi.

Trong những tháng gần đây, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vấp phải sự hoài nghi từ nhiều quốc gia trên thế giới. Những người có quan điểm nghi ngờ cho rằng kế hoạch này sẽ gây ra gánh nặng nợ nần đối với các nước tham gia và thực chất là một công cụ để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng toàn cầu. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thậm chí đã hủy 3 dự án trị giá 20 tỷ USD do Trung Quốc cấp vốn.

Mỹ thì xem Sáng kiến Vành đai và Con đường là một thách thức đối với ảnh hưởng của mình, và đang bàn bạc với Australia và Nhật Bản về tăng đầu tư hạ tầng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dù chưa xác định được nguồn vốn.

Châu Phi giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Trung Quốc chống lại những chỉ trích và hoài nghi đó.

Theo số liệu từ Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi, "lục địa đen" nhật 12 tỷ USD vốn vay của Trung Quốc trong năm 2015, so với mức chỉ hơn 100 triệu USD vào năm 2000. Các dự án đầu tư do Trung Quốc hậu thuẫn ở châu Phi hiện nay rất đa dạng, từ các nhà máy phát điện ở Bờ Biển Ngà cho tới một sân bay ở Rwanda và một tuyến đường sắt ở Kenya.

Châu Phi có một số quốc gia nằm trong danh sách những nước cung cấp dầu lửa và hàng hóa cơ bản lớn nhất cho Trung Quốc. Ngoài ra, đất nước nhỏ bé Djibouti còn là nơi Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của mình. Theo thống kê của Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại giữa nước này với châu Phi trong năm ngoái tăng 14%, đạt 170 tỷ USD.

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cam kết tiếp tục giữ vững cách tiếp cận "5 không" với các nước châu Phi, bao gồm không làm thay đổi đường lối phát triển, không can thiệp vào công việc nội bộ, không áp đặt ý chí của Trung Quốc, không đưa ra các ràng buộc đối với hỗ trợ tài chính, và không tìm kiếm lợi ích chính trị.

Tại một sự kiện của giới doanh nghiệp trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh, ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc luôn "hoàn toàn tôn trọng ý chí của châu Phi" và không hề có ý định thành lập một "câu lạc bộ đặc biệt".

"Sự hợp tác của Trung Quốc với châu Phi rõ ràng chỉ nhằm vào giải quyết những nút thắt lớn đối với sự phát triển", ông Tập Cận Bình nói. "Các nguồn lực cho sự hợp tác của chúng ta không hề được rót vào bất kỳ một dự án phù phiếm nào, mà chỉ đặt vào những nơi cần thiết nhất".