Trung Quốc tuyên bố cắt giảm dự trữ bắt buộc, thuế và phí
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc tăng trưởng
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 4/1 tuyên bố nước này sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thuế và phí, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc tăng trưởng.
Hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố đăng trên website của Chính phủ Trung Quốc cho biết, ông Lý Khắc Cường nói việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc một cách có mục tiêu là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Năm ngoái, Trung Quốc đã có 4 đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để các ngân hàng có thêm vốn cho vay. Giới phân tích dự báo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ tiến hành 3-4 đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm nay, bắt đầu từ quý 1 này.
Ông Lý Khắc Cường cũng nói Trung Quốc sẽ đẩy mạnh "các điều chỉnh nhằm chống lại chu kỳ kinh tế" trong chính sách vĩ mô và tiếp tục cắt giảm thuế, phí. Tuyên bố này không có nhiều điểm mới so với các cam kết chính sách mà Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra gần đây.
Những tuyên bố trên được Thủ tướng Trung Quốc đưa ra trong cuộc gặp với quan chức ngành ngân hàng và bảo hiểm nước này, sau chuyến thăm đến một loạt ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, gồm Bank of China, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB).
Số liệu công bố hôm thứ Hai tuần này cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 12 đã lần đầu tiên suy giảm sau 2 năm, phản ánh những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong cuộc chiến thương mại với Washington.
Số đơn đặt hàng mới mà các nhà máy ở Trung Quốc nhận được - một thước đo cho hoạt động của các nhà máy trong tương lai - tiếp tục yếu đi, cho thấy các điều kiện kinh doanh ở nước này nhiều khả năng còn xấu đi thêm trước khi có chuyển biến tích cực.
Ngoài loạt biện pháp hỗ trợ của PBoC, Chính phủ Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng để kích thích nhu câu và hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, các biện pháp này phải mất thời gian mới có thể phát huy tác dụng.
Chính phủ Trung Quốc hiện giữ nguyên dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2018 đạt mục tiêu khoảng 6,5%, so với mức tăng 6,9% đạt được trong 2017.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc mạnh trong năm 2019, về sát ngưỡng 6%, cho dù Mỹ-Trung có đạt thỏa thuận thương mại.
"Nền kinh tế đang yếu và các biện pháp kích cầu cần được tung ra nhanh chóng", các chuyên gia kinh tế thuộc ING khuyến nghị trong một báo cáo hồi đầu tuần.