Trung Quốc tuyên bố hỗ trợ đồng Euro
Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Hy Lạp và ủng hộ sự ổn định của đồng Euro
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố sẽ tiếp tục mua vào trái phiếu Chính phủ Hy Lạp, theo đó góp phần hỗ trợ khối Eurozone vượt qua khủng hoảng nợ.
Theo hãng tin Reuters, tuyên bố trên được ông Ôn Gia Bảo đưa ra hôm 2/10 khi bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Hy Lạp, trạm dừng chân đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc trong chuyến công du châu Âu. Gánh nặng nợ nần khổng lồ của Hy Lạp được xem là nguyên nhân châm ngòi cho khủng hoảng nợ bùng nổ tại châu lục này và đẩy đồng Euro lao dốc mạnh trước khi phục hồi trong một vài tháng gần đây.
Phát biểu tại Athens, ông Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc mong muốn tăng cường mối quan hệ với Hy Lạp trong mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề đầu tư trái phiếu. “Với dự trữ ngoại hối của mình, Trung Quốc đã và sẽ nắm giữ trái phiếu Hy Lạp, đồng thời sẽ duy trì lập trường tích cực trong việc gom mua trái phiếu mà Hy Lạp phát hành trong thời gian tới”, ông Ôn Gia Bảo nói.
Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định: “Trung Quốc sẽ thực hiện nỗ lực lớn để hỗ trợ các nước trong khối Eurozone và Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng này”.
Tiếp đó, trong bài phát biểu trước Quốc hội Hy Lạp hôm 3/10, ông Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc ủng hộ đồng Euro ổn định và sẽ không giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu của các nước châu Âu.
“Tôi tin là với chuyến thăm Hy Lạp của tôi, mối quan hệ song phương và hợp tác giữa Trung Quốc và Hy Lạp trong mọi lĩnh vực sẽ được tăng cường”, Thủ tướng Trung Quốc nói.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về thúc đẩy đầu tư, dù không đưa ra con số mục tiêu cụ thể. Đồng thời, các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân của hai nước cũng ký kết nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực như vận tải biển, xây dựng và du lịch.
Trung Quốc từng tuyên bố đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của nước này. Gần đây, nước này đã mua trái phiếu của một số quốc gia nặng nợ tại châu Âu như Hy Lạp và Tây Ban Nha, đồng thời tăng nắm giữ trái phiếu Nhật Bản, Hàn Quốc… trong khi giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Hồi đầu năm nay, xuất hiện tin đồn Hy Lạp bán 25 tỷ Euro trái phiếu cho Trung Quốc, nhưng sau đó Athens đã bác bỏ tin này.
Theo lịch trình chuyến công du châu Âu, ngày 4/10, ông Ôn Gia Bảo sẽ rời Hy Lạp, lên đường tới Brussels, Bỉ, để tham dự hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc. Tiếp đó, ông sẽ đến thăm các nước gồm Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều khả năng, ông Ôn Gia Bảo sẽ có nhiều phát biểu liên quan tới áp lực quốc tế đối với chính sách tỷ giá của Bắc Kinh trong chuyến thăm châu Âu này. Ngoài ra, vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ cũng được dự báo là một vấn đề được nhắc tới nhiều tại cuộc họp tổ chức hai lần mỗi năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington từ ngày 8-10/10.
Theo Reuters, Hy Lạp hiện đang rất cần tới nguồn vốn đầu tư nước ngoài để vượt lên những điều kiện ngặt nghèo mà nước này phải tuân thủ khi tiếp nhận khoản cứu trợ 110 tỷ Euro (150 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF. Gói giải cứu được ký kết hồi tháng 5/2010 này đã giúp Hy Lạp thoát khỏi bờ vực vỡ nợ công, nhưng đổi lại, Athens phải áp dụng mạnh những biện pháp thắt chặt buộc bụng, khiến tình hình suy thoái kinh tế càng thêm phần nghiêm trọng.
Hiện Hy Lạp mới chỉ có thể vay vốn trên thị trường trái phiếu thông qua những đợt phát hành nợ kỳ hạn ngắn. Athens cho biết, họ sẽ trở lại thị trường trái phiếu vào năm sau bằng việc phát hành nợ dài hạn, mặc dù gói cứu trợ của EU và IMF cho phép Hy Lạp đợi đến năm 2012 mới cần phát hành nợ dài hạn.
Theo giới phân tích, những thỏa thuận đạt được giữa Hy Lạp và các đối tác “có máu mặt” như Trung Quốc và Qatar sẽ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở quốc gia châu Âu này. Số liệu của Bộ Đầu tư Hy Lạp cho thấy, do tác động của khủng hoảng toàn cầu và mức độ cạnh tranh gay gắt với các nước vùng Balkan, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hy Lạp đã giảm từ mức 6,9 tỷ Euro vào năm 2006, xuống còn 4,5 tỷ Euro vào năm 2009.
Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ đầu tư rất ít vào Hy Lạp, trừ một thỏa thuận trị kéo dài 35 năm trị giá 3,4 tỷ Euro mà tập đoàn Cosco của Trung Quốc ký kết với cảng Piraeus của Hy Lạp hồi năm 2008.
Theo hãng tin Reuters, tuyên bố trên được ông Ôn Gia Bảo đưa ra hôm 2/10 khi bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Hy Lạp, trạm dừng chân đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc trong chuyến công du châu Âu. Gánh nặng nợ nần khổng lồ của Hy Lạp được xem là nguyên nhân châm ngòi cho khủng hoảng nợ bùng nổ tại châu lục này và đẩy đồng Euro lao dốc mạnh trước khi phục hồi trong một vài tháng gần đây.
Phát biểu tại Athens, ông Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc mong muốn tăng cường mối quan hệ với Hy Lạp trong mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề đầu tư trái phiếu. “Với dự trữ ngoại hối của mình, Trung Quốc đã và sẽ nắm giữ trái phiếu Hy Lạp, đồng thời sẽ duy trì lập trường tích cực trong việc gom mua trái phiếu mà Hy Lạp phát hành trong thời gian tới”, ông Ôn Gia Bảo nói.
Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định: “Trung Quốc sẽ thực hiện nỗ lực lớn để hỗ trợ các nước trong khối Eurozone và Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng này”.
Tiếp đó, trong bài phát biểu trước Quốc hội Hy Lạp hôm 3/10, ông Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc ủng hộ đồng Euro ổn định và sẽ không giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu của các nước châu Âu.
“Tôi tin là với chuyến thăm Hy Lạp của tôi, mối quan hệ song phương và hợp tác giữa Trung Quốc và Hy Lạp trong mọi lĩnh vực sẽ được tăng cường”, Thủ tướng Trung Quốc nói.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về thúc đẩy đầu tư, dù không đưa ra con số mục tiêu cụ thể. Đồng thời, các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân của hai nước cũng ký kết nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực như vận tải biển, xây dựng và du lịch.
Trung Quốc từng tuyên bố đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của nước này. Gần đây, nước này đã mua trái phiếu của một số quốc gia nặng nợ tại châu Âu như Hy Lạp và Tây Ban Nha, đồng thời tăng nắm giữ trái phiếu Nhật Bản, Hàn Quốc… trong khi giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Hồi đầu năm nay, xuất hiện tin đồn Hy Lạp bán 25 tỷ Euro trái phiếu cho Trung Quốc, nhưng sau đó Athens đã bác bỏ tin này.
Theo lịch trình chuyến công du châu Âu, ngày 4/10, ông Ôn Gia Bảo sẽ rời Hy Lạp, lên đường tới Brussels, Bỉ, để tham dự hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc. Tiếp đó, ông sẽ đến thăm các nước gồm Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều khả năng, ông Ôn Gia Bảo sẽ có nhiều phát biểu liên quan tới áp lực quốc tế đối với chính sách tỷ giá của Bắc Kinh trong chuyến thăm châu Âu này. Ngoài ra, vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ cũng được dự báo là một vấn đề được nhắc tới nhiều tại cuộc họp tổ chức hai lần mỗi năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington từ ngày 8-10/10.
Theo Reuters, Hy Lạp hiện đang rất cần tới nguồn vốn đầu tư nước ngoài để vượt lên những điều kiện ngặt nghèo mà nước này phải tuân thủ khi tiếp nhận khoản cứu trợ 110 tỷ Euro (150 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF. Gói giải cứu được ký kết hồi tháng 5/2010 này đã giúp Hy Lạp thoát khỏi bờ vực vỡ nợ công, nhưng đổi lại, Athens phải áp dụng mạnh những biện pháp thắt chặt buộc bụng, khiến tình hình suy thoái kinh tế càng thêm phần nghiêm trọng.
Hiện Hy Lạp mới chỉ có thể vay vốn trên thị trường trái phiếu thông qua những đợt phát hành nợ kỳ hạn ngắn. Athens cho biết, họ sẽ trở lại thị trường trái phiếu vào năm sau bằng việc phát hành nợ dài hạn, mặc dù gói cứu trợ của EU và IMF cho phép Hy Lạp đợi đến năm 2012 mới cần phát hành nợ dài hạn.
Theo giới phân tích, những thỏa thuận đạt được giữa Hy Lạp và các đối tác “có máu mặt” như Trung Quốc và Qatar sẽ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở quốc gia châu Âu này. Số liệu của Bộ Đầu tư Hy Lạp cho thấy, do tác động của khủng hoảng toàn cầu và mức độ cạnh tranh gay gắt với các nước vùng Balkan, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hy Lạp đã giảm từ mức 6,9 tỷ Euro vào năm 2006, xuống còn 4,5 tỷ Euro vào năm 2009.
Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ đầu tư rất ít vào Hy Lạp, trừ một thỏa thuận trị kéo dài 35 năm trị giá 3,4 tỷ Euro mà tập đoàn Cosco của Trung Quốc ký kết với cảng Piraeus của Hy Lạp hồi năm 2008.