Trung Quốc và Nga đồng loạt cảnh báo Mỹ về tên lửa tầm trung
Sự cảnh báo này được Trung Quốc và Nga đưa ra sau khi Mỹ vào tuần trước chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng tên lửa tầm trung (INF)
Trung Quốc ngày 6/8 cảnh báo rằng Washington và đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đối mặt với sự đáp trả của Bắc Kinh nếu các nước này chấp nhận triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ.
Trước đó, ngày 5/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên mặt đất nếu Mỹ hành động như vậy.
Những lời cảnh báo này được Trung Quốc và Nga đưa ra sau khi Mỹ vào tuần trước chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng tên lửa tầm trung (INF), một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mang tính cột mốc có từ cách đây 3 thập kỷ.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này "sẽ không khoanh tay đứng nhìn" những mối nguy như vậy, đồng thời kêu gọi Mỹ tránh đẩy căng thẳng leo thang. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nói đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương nên "hành động khôn ngoan" và việc triển khai tên lửa Mỹ sẽ "không mang lại điều gì tốt đẹp cho lợi ích an ninh quốc gia" của các nước này.
Sự cảnh báo trên được xem là nhằm vào ba nước là đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, gồm Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Việc rút khỏi INF đồng nghĩa với việc Mỹ không còn chịu sự ràng buộc nào trong việc triển khai tên lửa tầm trung tại các khu vực trên thế giới, trong đó có châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, lời cảnh báo của Trung Quốc cho thấy bất kỳ quốc gia nào nhận triển khai tên lửa Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ trả đũa bằng kinh tế và ngoại giao từ Bắc Kinh. Cả ba nước mà Bắc Kinh cảnh báo đều có đối tác thương mại lớn nhất chính là Trung Quốc.
Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm thứ Hai đã bác bỏ khả năng cho mở căn cứ tên lửa Mỹ ở nước này, sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố muốn triển khai tên lửa Mỹ ở châu Á trong vòng vài tháng nữa.
Hàn Quốc thì đã "lĩnh đòn" vì sự trả đũa của Trung Quốc sau khi Seoul nhận triển khai lá chắn tên lửa Mỹ Thaad vào năm 2016.
"Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn lợi ích của mình bị ảnh hưởng", bà Hoa Xuân Oánh nói trong một tuyên bố. "Ngoài ra, chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào gây rắc rối ở cửa ngõ của mình. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện phá cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia".
Trong một tuyên bố ngày 5/8, Tổng thống Putin nói: "Nếu Nga thu thập được thông tin đáng tin cậy rằng Mỹ đã hoàn tất việc phát triển và bắt đầu sản xuất các hệ thống tên lửa tầm trung, thì Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nỗ lực hết sức để phát triển tên lửa tương tự".
Lời cảnh báo được ông Putin đưa ra sau một cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia Nga.
Được ký kết vào năm 1987, hiệp ước INF quy định Mỹ và Nga không bao giờ triển khai tên lửa hành trình trên mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500 km, dù là tên lửa hạt nhân hay thông thường. Hiệp ước làm giảm khả năng của hai nước trong việc mở một cuộc tấn công hạt nhân trong thời gian ngắn.
Ông Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước này vì cho rằng Nga vi phạm thỏa thuận, đồng thời mong muốn ký một thỏa thuận mới có sự tham gia của cả Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói rằng Mỹ sẽ gây "tình trạng hỗn loạn địa chính trị" nếu có bất kỳ động thái triển khai tên lửa tầm trung nào ở châu Á-Thái Bình Dương.
Một động thái như vậy "sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều so với việc triển khai hệ thống Thaad ở Hàn Quốc, vì tên lửa tầm trung chắc chắn là vũ khí tấn công", bài báo hôm Chủ nhật viết. "Bất kỳ quốc gia nào nhận triển khai tên lửa tầm trung Mỹ sẽ là chống lại Trung Quốc và Nga, trực tiếp hay gián tiếp, và sẽ phải hứng chịu hậu quả".