10:15 12/04/2018

Trung Quốc: Việc ông Tập hứa cải cách không liên quan đến căng thẳng Trung-Mỹ

An Huy

Một tín hiệu cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nước sẽ không sớm được giải quyết

Bên trong một nhà máy sản xuất xe Ford ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters/SCMP.
Bên trong một nhà máy sản xuất xe Ford ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters/SCMP.

Lời hứa về mở rộng cửa hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc mà Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đưa ra vào ngày 10/4 không hề liên quan gì đến những cáo buộc thương mại từ phía Mỹ, và cũng không phải là câu trả lời của Bắc Kinh đối với căng thẳng Trung-Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngày 11/4.

"Tôi có thể nói rõ với các bạn rằng tuyên bố của Trung Quốc về các biện pháp mở cửa lớn không liên quan gì đến mâu thuẫn kinh tế và thương mại hiện nay giữa Trung Quốc với Mỹ", hãng tin Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang tại cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh. "Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn không vì sự can thiệp từ bên ngoài và thế giới bên ngoài không thể can thiệp vào công việc của Trung Quốc".

Trước đó, vào ngày thứ Tư, trong một bài phát biểu dài đánh dấu 40 năm mở cửa kinh tế Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tái khẳng định và mở rộng những đề xuất về tăng nhập khẩu, nới trần sở hữu nước ngoài trong ngành sản xuất, và tăng cường bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ. Đây là những chủ trương mà Trung Quốc đã đưa ra thời gian gần đây trong các kế hoạch phát triển kinh tế, đồng thời cũng là những vấn đề trung tâm trong các chỉ trích thương mại mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc.

Sự mềm mỏng trong bài phát biểu của ông Tập đã nhận được sự phản hồi tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu, khi các nhà đầu tư xem đây như một dấu hiệu của căng thẳng thương mại lắng xuống. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn lên mạng xã hội Twitter gửi lời cảm ơn ông Tập vì "những lời tốt đẹp" trong bài phát biểu, và dự báo hai bên sẽ "cùng nhau đạt những bước tiến lớn".

"Những người am hiểu về hoạt động của Chính phủ Trung Quốc đều hiểu rằng việc đưa ra nhiều sáng kiến lớn đến như vậy đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và lên kế hoạch cẩn trọng", ông Geng nói ngày 11/4. "Không thể có chuyện đưa ra quyết định trong một khoảng thời gian ngắn".

Một nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung rơi vào bế tắc trong tuần trước, sau khi chính quyền Trump yêu cầu Trung Quốc có những bước đi cụ thể nhằm giảm bớt sự hỗ trợ của Chính phủ nước này dành cho các ngành công nghệ cao. Nguồn tin cũng nói Trung Quốc đang xem xét đưa ra những nhượng bộ lớn về thương mại và đầu tư với Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia như Nhật Bản và Mexico.

Những tuyên bố vừa rồi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là một tín hiệu cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nước sẽ không sớm được giải quyết. Mấy ngày gần đây, giới chức Trung Quốc đã thể hiện sự bất mãn gia tăng với Mỹ, như Bộ Ngoại giao nước này vào hôm thứ Hai nói không thể đàm phán với Mỹ trong tình hình hiện nay.