Trước thềm thượng đỉnh Trump-Kim, Triều Tiên thừa nhận thiếu lương thực
Giới phân tích cho rằng đây có vẻ là một chiến thuật đàm phán của Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài hai ngày
Một quan chức cấp cao của Triều Tiên cho biết nước này đang đối mặt với tình trạng suy giảm nhanh chóng nguồn cung lương thực và buộc phải cắt giảm phân phối lương thực cho người dân - theo một bản ghi nhớ mà hãng tin NBC News thu thập được.
Bản ghi nhớ viết bởi ông Kim Song, đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc, được xem là sự thừa nhận hiếm hoi về tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên.
Ông Kim Jong nói nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là thiên tai và các biện pháp trừng phạt khiến Triều Tiên không có đủ trang thiết bị cho sản xuất nông nghiệp.
Vị đại sứ cũng nói Chính phủ Triều Tiên kêu gọi mạnh mẽ sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho người dân.
Theo bản ghi nhớ, một cuộc điều tra về tình hình lương thực ở Triều Tiên năm 2018, được thực hiện với sự phối hợp của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc, cho thấy sản lượng lương thực của nước này giảm 503.000 tấn so với năm 2017.
Vì lý do này, Triều Tiên trong tháng 1 đã phải cắt giảm lượng phân phối lương thực hàng ngày theo đầu người cho các gia đình công nhân viên chức xuống 300 gram từ mức 550 gram trước đó.
Vốn là một quốc gia khép kín, Triều Tiên hiếm khi công bố những thông tin như thế này. Sự thừa nhận về tình trạng thiếu lương thực được Bình Nhưỡng đưa ra trong bối cảnh chỉ còn hơn một tuần nữa là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump tại Việt Nam.
Giới phân tích cho rằng thừa nhận thiếu lương thực có vẻ là một chiến thuật đàm phán của Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài hai ngày.
"Triều Tiên có thể đang thừa nhận điểm yếu của họ, nhưng không phải là không có kế hoạch", tiến sỹ Victor Cha, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời chính quyền Bush, nhận xét.
Ông Cha nói Triều Tiên có thể đang tìm cách thuyết phục ông Trump nới lỏng bớt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nhất là khi Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga đều đang muốn như vậy.
Tuy nhiên, theo ông Cha, để nhượng bộ trong cuộc gặp tuần tới, chính quyền ông Trump cần phải nhận thấy có khả năng đạt kết quả như mong muốn.
Theo một báo cáo hồi tháng 3/2018 của Liên hiệp quốc, trong số 25 triệu người dân Triều Tiên, có khoảng 10,3 triệu người, tương đương 41%, đối mặt tình trạng bấp bênh về lương thực, và 10,1 triệu người bị suy dinh dưỡng.
Theo một bài viết của hãng tin Reuters hồi tháng 8 năm ngoái, các biện pháp trừng phạt của Mỹ về cơ bản đã cắt dòng viện trợ nhân đạo quốc tế cho Triều Tiên. Trong 2018, viện trợ nhân đạo của Mỹ cho Triều Tiên giảm gần 57% so với năm trước đó.
Trong những thập niên gần đây, Triều Tiên đã nhiều lần hứng chịu nạn đói do phương pháp canh tác còn lạc hậu và thời tiết xấu.