Trường tự gắn mác quốc tế: Học phí cao có đi đôi chất lượng?
Việc đóng học phí của các trường tư thục vẫn phải theo mức trần tùy vào chất lượng đào tạo tương xứng…
Thời gian vừa qua, câu chuyện về việc một số cơ sở giáo dục tư thục tự gắn mác quốc tế để thu hút học sinh dù có chi phí không hề rẻ đã đặt ra nhiều vấn đề giữa chất lượng đào tạo và mức đầu tư liệu có xứng đáng hay không?
Cho ý kiến về vấn đề này, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thừa nhận có thực tế như vậy, song cho rằng không nên chỉ "nhìn hiện tượng mà đánh giá bản chất vấn đề".
Bởi theo bà, không phải trường có học phí cao là chất lượng không tốt, trường công hay trường tư thì vẫn có trường tốt và chưa tốt. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là cần phải kiểm tra, thẩm định chất lượng của các trường này.
Thực tế là sau vụ việc xảy ra tại trường Gateway thì hàng loạt các trường có danh xưng quốc tế tự phong mới bị "vỡ lở", điều này theo bà Minh đánh giá chính là thể hiện rõ sự buông lỏng trong quản lý Nhà nước chưa thực sự sâu sát. Cụ thể ở đây chính là việc quản lý cán bộ chưa thực sự làm hết trách nhiệm, vẫn còn tình trạng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Về ý kiến cho rằng, mức học phí của các cơ sở tư thục hiện vẫn do các trường tự quyết trong khi có nhiều trường chất lượng chưa tương xứng nhưng cơ chế giám sát là chưa có, bà Minh cho rằng nhà nước luôn muốn tạo điều kiện cho trường tư phát triển để cùng nâng cao hiệu quả giáo dục, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Mặc dù vậy, việc đóng học phí của các trường vẫn phải theo mức trần tùy vào chất lượng tương xứng. "Cơ quan quản lý nhà nước phải có sự kiểm định, đánh giá và minh bạch cho người dân được biết, song việc này thời gian qua chúng ta làm vẫn còn yếu", bà Minh thừa nhận.
Cũng liên quan đến việc hàng loạt trường tự gắn mác quốc tế để thu hút học sinh gây xôn xao dư luận thời gian qua, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, đã đến lúc cần thiết phải có một khái niệm rõ ràng về tiêu chí trường quốc tế, và việc này cần phải được công khai minh bạch cho phụ huynh.
"Chính vì trước nay không công khai nên mới có chuyện các trường tự gắn mác quốc tế vào để lừa phụ huynh. Tôi cho rằng đây là sự không trung thực trong giáo dục, mà lẽ ra đã là trường quốc tế là phải dạy theo tiêu chuẩn quốc tế", bà An nêu quan điểm.
Trước thực tế như vậy, theo bà An thì cơ quan quản lý Nhà nước phải rà soát lại, đồng thời công khai cụ thể tên các trường vi phạm để xử lý, chứ không phải đơn giản chỉ là việc các trường tự bỏ đi chữ "quốc tế" là xong.
Để các trường tự gắn mác quốc tế hàng năm mà không phát hiện ra, bà An cho rằng, rõ ràng đây là lỗi của cơ quan quản lý và điều này là không thể "bao biện". "Cơ quan quản lý Nhà nước phải nhận trách nhiệm của mình, trong địa bàn quản lý mà không phát hiện ra liệu đã làm tròn nhiệm vụ hay không? Còn đương nhiên cơ sở giáo dục cũng có lỗi do không trung thực, nhưng nếu quản lý sát sao, không quan liêu thì chắc chắn sẽ phát hiện ra ngay", bà An nói.
Hơn hết, cách xử lý không chỉ dừng lại ở việc trường vi phạm nhất định phải công khai tên, mà theo vị nguyên đại biểu Quốc hội phương thức xử lý cũng cần được minh bạch, để người dân giám sát.
Từ những thực tế trên cũng đặt ra câu chuyện dù xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng, song theo bà An nhất định phải có khâu giám sát, nếu không sẽ dễ đi lệch mục tiêu ban đầu. "Tôi nhấn mạnh khuyến khích giáo dục tư thục phát triển thế nào đi nữa thì vẫn phải quản lý chứ không được buông lỏng", nguyên đại biểu Quốc hội đề xuất.