Trường vi phạm quy chế tuyển sinh sẽ "mất" quyền xác định chỉ tiêu trong 5 năm
Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy chế tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu trong năm tới cùng xử phạt hành chính, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo
Đây là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào cho biết tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ngày 17/7.
Vi phạm quy chế tuyển sinh, 5 năm không được xác định chỉ tiêu
Báo cáo về công tác tuyển sinh năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc tuyển sinh của các trường. Trong đó, phải kể đến đề án tuyển sinh chưa chính xác về giảng viên; xác định quá nhiều tổ hợp xét tuyển; thông tin về điểm nhận hồ sơ xét học bạ của một số ngành sức khỏe không rõ ràng; thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trước thực tế như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường cần xác định tỷ lệ phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào. Đồng thời, rà soát lại đề án tuyển sinh về: chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển, tiêu chí phụ… Bên cạnh đó, cũng phải nghiên cứu so sánh chất lượng quá trình học tập, tốt nghiệp, việc làm của sinh viên vào học theo các phương thức tuyển sinh khác nhau.
Ngoài ra, các trường sư phạm phải phối hợp với địa phương rà soát lại nhu cầu ở các cấp học, ngành học theo chương trình giáo dục phổ thông mới để có phương án chủ động tuyển sinh, cũng như làm cơ sở xác định chỉ tiêu sư phạm cho các năm sau.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý đặc biệt về trách nhiệm giải trình và các chế tài khi các trường vi phạm quy chế tuyển sinh. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, hiện Bộ cho phép các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh nhưng nếu trường nào tuyển vượt chỉ tiêu thì nhà trường và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu năm tiếp theo cùng xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo.
Đồng thời, hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan vi phạm cũng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động cùng những mức phạt hành chính, hình sự tùy theo mức độ lỗi.
Tổ hợp xét tuyển truyền thống vẫn "áp đảo"
Đối với kết quả tốt nghiệp năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm nay của cả nước đạt 94,06%. Kết quả của kỳ thi này được dùng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Đồng thời, cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh đại học, cao đẳng và cung cấp thông tin bổ sung về chất lượng giáo dục phổ thông.
Việc phân tích phổ điểm của các tỉnh cho thấy kết quả thi đã phản ánh trung thực chất lượng giáo dục của các địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội các vùng miền, đảm bảo tính khách quan, trung thực.
Theo bà Phụng, 3 năm trở lại đây, tỷ lệ đăng ký xét tuyển đại học tương đối ổn định. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển là 73,9%; năm 2018 là 74,3%; năm 2019 là 73,6%. Riêng trong năm 2019, cả nước có 653.278 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, tổng số nguyện vọng là 2.575.305 với tỷ lệ 3,9/1 thí sinh. Thí sinh đăng ký số lượng nguyện vọng nhiều nhất là 50 nguyện vọng.
Kết quả tổng hợp cũng cho thấy, mặc dù hơn 400 trường tuyển sinh theo 133 tổ hợp, nhưng năm nay các tổ hợp truyền thống như: khối A, A1, B, C, D1 vẫn là 5 tổ hợp bao quát hầu hết nhu cầu của ngành đào tạo, chiếm 90% nguyện vọng của thí sinh.
Do đó, bà Phụng lưu ý các trường không nên đặt ra quá nhiều tổ hợp xét tuyển, trừ các ngành đặc thù. Thực tế, số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng 133 tổ hợp ngoài truyền thống là không nhiều, chỉ chiếm gần 10% nguyện vọng.
Trong năm 2019, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học là 489.637, tăng 7% do trường kiểm định xác định theo năng lực. Chỉ tiêu xét tuyển thẳng bằng kết quả thi trung học phổ thông quốc gia là 341.840 chỉ tiêu, tương đương với năm 2018. Chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức học bạ, đánh giá năng lực, kết hợp là 147.797 chỉ tiêu, tăng 36.000 chỉ tiêu so với năm 2018, riêng chỉ tiêu ngành sư phạm năm nay là 46.285 chỉ tiêu.