16:03 12/12/2012

TrustBank “không trông chờ cứu trợ”

Tú Uyên

TrustBank đã có phương án chủ động tự tái cơ cấu trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ xem xét, phê duyệt

Giao dịch tại TrustBank. Ngân hàng này cho biết đang tập trung sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước để tái cơ cấu.
Giao dịch tại TrustBank. Ngân hàng này cho biết đang tập trung sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước để tái cơ cấu.
Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín (TrustBank) cho biết đang tập trung các nguồn lực để tự thực hiện tái cơ cấu, không trông chờ Ngân hàng Nhà nước và vốn “cứu trợ”.

TrustBank là 1 trong 9 ngân hàng thương mại cổ phần thuộc diện phải tái cơ cấu theo danh sách Ngân hàng Nhà nước công bố thời gian qua.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước rà soát và khoanh vùng, 9 thành viên thuộc diện tái cơ cấu hiện cơ bản đã kiểm soát được tình hình.

Riêng TrustBank, theo đại diện Hội đồng Quản trị ngân hàng này, để có thể tồn tại và phát triển, ngân hàng đã có phương án chủ động tự tái cơ cấu trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 6/9/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản số 652/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận nguyên tắc phương án tái cơ cấu TrustBank.

Theo vị đại diện trên, TrustBank đang tập trung sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước để tái cơ cấu.

“Đây là điểm cốt yếu trong chiến lược tái cấu trúc TrustBank nhằm nỗ lực chủ động giải quyết ổn thỏa các vấn đề nội tại, không trông chờ vào sự “cứu trợ” của Ngân hàng Nhà nước. Sau khi hoàn thành tiến trình tái cơ cấu, hoạt động của TrustBank từng bước theo lộ trình sẽ đảm bảo an toàn, lành mạnh và hiệu quả”, đại diện Hội đồng Quản trị TrustBank cho hay.

Cũng theo nguồn tin từ TrustBank, định hướng trước mắt của ngân hàng này là sẽ ưu tiên tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ truyền thống như các chương trình, dự án phục vụ “tam nông”, phát triển các sản phẩm cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là khu vực trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; phát triển cho vay và cung cấp dịch vụ cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhà ở và ngành công nghiệp phụ trợ…