TS. Trần Du Lịch: Miền Trung chậm thủ tục đầu tư một ngày là tiếp tục nghèo thêm một năm
"Miền Trung cần có quyết tâm cao theo tinh thần "bây giờ hoặc không bao giờ" để có thể biến vùng đất nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển thành những địa phương phồn vinh"
"Miền Trung cần có quyết tâm cao theo tinh thần "bây giờ hoặc không bao giờ" để có thể biến vùng đất nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển thành những địa phương phồn vinh", TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, nhận định.
Sáng 20/8, Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung do Thủ tướng chủ trì đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế thuộc quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn, Bình Định, với sự tham dự của các Phó thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành trung ương, địa phương cùng các đại diện doanh nghiệp, chuyên gia cả nước.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng miền Trung có 14 tỉnh thành trải dài từ Thanh Hoá xuống Bình Thuận, đang sở hữu những tài nguyên kinh tế biển có thể nói là hàng đầu Việt Nam nhưng doanh thu từ du lịch chưa đến 20% tổng doanh thu cả nước. Quy mô kinh tế khoảng 1 triệu tỉ đồng, cũng chỉ chiếm gần 20% GDP cả nước.
Miền Trung cần tăng tốc phát triển cao hơn để có quy mô kinh tế lớn hơn, Thủ tướng yêu cầu và cho biết, khu vực quần thể tổ chức Hội nghị trước đây từng là khu vực hoang hoá, cây cối thưa thớt, thì sau 3-4 năm, nơi này thành khu đô thị du lịch, khách sạn hạng sang. "Sự thay đổi này phải chăng là gợi mở cho việc phát huy thế mạnh của chúng ta?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Dẫn ví dụ về Bình Định, Thủ tướng cũng cho hay, địa phương này trước đây đã quy hoạch Khu kinh tế Nhơn Hội phục vụ phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, trước những lợi thế lớn của kinh tế biển, địa phương đã nhanh chóng thay đổi sang chiến lược phát triển du lịch và có thể nói là vô cùng tiềm năng.
"Một bác sĩ giỏi phải bắt đúng bệnh mới chữa được bệnh, cũng như miền Trung cần phải tìm ra đâu là căn bệnh để có giải pháp tháo gỡ... Tôi mong các đại biểu không nói nhiều về thành tựu mà chúng ta đề xuất cụ thể giải pháp để phát triển miền Trung đúng hướng", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Cần những con sếu đầu đàn
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến cho rằng, miền Trung trải dài trên đường bờ biển dài gần 2.000 km và quy hoạch phát triển cho cả một vùng như vậy là rất thách thức. Quy hoạch có thể theo cụm tỉnh trước và phải đáp ứng được phát triển các lĩnh vực mũi nhọn tạo sự tăng trưởng đột phá cho vùng, nhất là các lĩnh vực như lọc hóa dầu, phát triển mạnh cơ khí chế tạo và phát triển du lịch.
Theo ông Chiến, cần có thể chế hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, ngoài các nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư chiến lược trong nước là rất quan trọng.
"Hiện nay, các tập đoàn tư nhân như Tập đoàn FLC, Vingroup… đều đã tập trung đầu tư tại Thanh Hoá, giúp Thanh Hoá phát triển toàn diện ở các lĩnh vực, tạo ra một xung lực trong phát triển kinh tế và giúp phát triển bền vững hơn. Đây là yếu tố rất quan trọng với miền Trung", Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình nhận xét dấu ấn của các Tập đoàn kinh tế lớn đã hiện diện rất rõ nét tại miền Trung. Đơn cử như khu vực quần thể FLC Quy Nhơn được triển khai trên diện tích hơn 1.000 ha đã đóng góp tích cực vào phát triển du lịch tại Bình Định.
"Các Tập đoàn kinh tế lớn có thể ví như những con sếu đầu đàn, sự phát triển của những Tập đoàn này cũng là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của kinh tế tư nhân", Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh và cho rằng miền Trung cần thu hút các doanh nghiệp có thực lực để đẩy mạnh phát triển hạ tầng và đưa kinh tế bứt phá.
Đột phá về môi trường đầu tư
Theo TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, miền Trung cần có quyết tâm cao theo tinh thần "bây giờ hoặc không bao giờ", đặc biệt trong việc cải cách thể chế, xây dựng môi trường đầu tư.
Hiện chính sách ưu đãi cho các địa bàn khó khăn như miền Trung thường được tập trung về giá thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng nếu chỉ dựa vào 2 ưu đãi này, không thể tạo ra môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh vượt trội mà cần cải thiện tích cực 3 nhân tố: Chính sách, thể chế; đào tạo nguồn lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
"Chúng ta phải xem bao nhiêu nhà đầu tư vùng miền Trung phải mang lên Trung ương và mất bao lâu. Chúng ta chậm thủ tục đầu tư một ngày là vùng này tiếp tục nghèo thêm một năm", vị chuyên gia cho hay.
"Khó phát triển du lịch 5 sao nếu nhân lực chỉ 1,2 sao"
Nguồn nhân lực là một trong các vấn đề được đánh giá là thách thức của miền Trung, đặc biệt trong phát triển kinh tế biển.
"Việc phát triển du lịch cao cấp sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi, nếu nguồn nhân lực tại địa phương chỉ đạt mức 1-2 sao", ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, nhận xét.
Hiện miền Trung có 42 trường Đại học, không ít so với tổng số cơ sở Đại học của cả nước nhưng chất lượng đào tạo vẫn còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành động lực như du lịch hay khoa học công nghệ.
"Miền Trung chưa xác định rõ về nhu cầu nguồn nhân lực cho các dự án qua các thời kỳ, hay nhu cầu nguồn nhân lực trong dài hạn 5-10 năm. Tôi đề nghị các nhà đầu tư xác định nhu cầu lao động và có định hướng rõ nét để khuyến khích nhu cầu đào tạo đúng hướng", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận định.
Cũng theo ông Phùng Xuân Nhạ, cần đặc biệt khuyến khích các Tập đoàn lớn tham gia đầu tư trong lĩnh vực đào tạo, như Tập đoàn FLC đã thành lập Viện đào tạo hàng không Bamboo Airways ở Quy Nhơn hay sắp tới là trường Đại học FLC. Những mô hình đào tạo như vậy có sự gắn kết mạnh giữa đào tạo và doanh nghiệp, và đây cũng là cơ chế thí điểm mà Bộ đang áp dụng để gia tăng yếu tố thực tiễn trong đào tạo Đại học và sau Đại học tại miền Trung.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định trao giấy ghứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, y tế, logictics… Trong đó dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways do Công ty Tre Việt (Tập đoàn FLC) đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng đã chính thức khởi công từ cuối tháng 7 vừa qua.