17:48 17/04/2018

TS. Vũ Đình Ánh: Cần thiết đánh thuế tài sản lên nhà ở!

KIỀU LINH

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng nhà nên và cần là một đối tượng để đánh thuế

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng nhà nên và cần là một đối tượng để đánh thuế.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng nhà nên và cần là một đối tượng để đánh thuế.

Dự thảo Luật thuế tài sản được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, trong đó đề xuất 2 phương án sẽ đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ với mức thuế tương ứng 0,3-04% đang làm dậy sóng dư luận. 

Tại buổi toạ đàm "Đánh thuế nhà trên 700 triệu: Thiếu khả thi và nhiều bất cập" diễn ra hôm nay 17/4, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh tiết lộ, khi tiếp nhận thông tin từ cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính về dự thảo Luật thuế tài sản tôi không hề ngạc nhiên. Làm tài chính gần 10 năm, tôi biết dự thảo lần này đã nằm trong chiến lược được hoạch định trước trong việc cải cách hệ thống thuế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta cải cách, mở cửa, giảm các sắc thuế nhập khẩu.

Tiếp theo là sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam, cùng với sự mở cửa, kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc nên cơ sở thu thuế có sự thay đổi. Rất tiếc, Bộ Tài chính không nêu ra, năm 1991, lần đầu chúng ta có pháp lệnh thuế nhà, đất và thuế suất là từ 0,3 - 0,4% giống lần trước.

Tới năm 1992, chúng ta lại ban hành pháp lệnh thuế nhà đất mới, bỏ đánh thuế nhà, chỉ đánh thuế đất. Năm 1994, pháp lệnh lại thay đổi. Nếu năm 1992, chúng ta đánh thuế đất dựa trên nền tảng thuế nông nghiệp, số kg thóc thu được trên 1ha thì năm 1994, chúng ta dựa trên nền tảng thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Chuyển biến cơ bản nhất liên quan tới đất là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010, lúc này chúng ta đặt trên giá trị chứ không đặt trên hệ số so với đất nông nghiệp với 3 hệ số: 0,03%, 0,07%, 0,15%. Hạn mức này dựa trên quyết định của chính quyền và dựa trên diện tích đất để xác định hạn mức. Nếu như quá hạn mức 3 lần, phải áp 0,15%, dưới hạn mức thì áp 0,03% và đất chưa sử dụng đánh 0,2%.

Tới năm 2018 này, chúng ta mới đưa ra vấn đề là đặt thêm nhà vào Luật và gom vào thành tài sản.

Quay lại nguồn gốc của tài sản, theo ông Ánh hiểu đó là của cải, vật chất sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng. Ở đây, có tài sản cố định, tài sản lưu động gắn với chu kỳ sản xuất kinh doanh, tài sản hữu hình, vô hình. Nhưng cần lựa chọn tài sản gì sẽ đánh thuế. 

Mọi người đang không tập trung vào việc đánh thuế tài sản với bất động sản là đất, mọi người lo trùng thuế nhưng không trùng được, vì thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 sẽ bị loại bỏ, thay vào đó là quy định trong dự thảo Luật thuế tài sản này.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh khẳng định, đối với thuế nhà đây là thông lệ áp dụng trên thế giới. Nhưng quan trọng là đánh thuế như thế nào? Ở Singapore, họ đánh thuế dựa trên giá trị nhà ở. Việc đánh thuế dựa trên điều kiện kinh tế, xã hội, có cả yếu tố chính trị.

Thuế tài sản có lịch sử rất lâu đời, gắn với bản chất của nhà nước. Nếu áp dụng luật thuế tài sản với đất, thì thuế suất sẽ tăng lên gấp 10 lần, từ 0,03% lên 0,3 hoặc 0,4%. Đáng ra, phải bàn xem việc này, tăng thuế như vậy có hợp lý hay không?

"Với nhà, tôi cho rằng nhà nên và cần là một đối tượng để đánh thuế. Vậy nhà tới mức nào thì cần đánh thuế. Nhưng không nên đánh thuế là nhà giá trị thấp, phần lớn của người nghèo, thu nhập thấp, đời sống khó khăn thì không nên dồn gánh nặng lên vai họ. Tiếp theo liên quan tới bản thân ngành quản lý, nhà giá trị thấp thu không đáng bao nhiêu, giống thu thuế đất phi nông nghiệp. Nó vi phạm một nguyên tắc của thuế là tính hiệu quả. Thứ hai là tính đơn giản trong thuế", Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nói.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế, cơ sở nào để đưa ra ngưỡng 700 triệu để đánh thuế nhà? Trong khi phần suất đầu tư để đánh thuế lại ở Bộ Xây dựng.

"Tôi xin nhắc lại người ta chỉ tính giá đánh thuế với phần giá trị nằm trên 700 triệu đồng. Chúng ta không nên hiểu lầm. Tôi cho rằng Bộ Tài chính là người giúp Chính phủ, Quốc hội tạo ra dự Luật này. Trách nhiệm của bộ là phải đưa ra căn cứ để xác định mức thu thuế tài sản và cơ sở thu thuế tài sản. Những ai phản bác cũng nên đưa ra lập luận, căn cứ của mình", ông Vũ Đình Ánh nói.