15:30 18/08/2021

Từ 01/10, giảm tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA

Ánh Tuyết

Đối với những tỉnh thu không đủ chi, phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 50% trở lên, sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi…

Điều chỉnh tỷ lệ cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Điều chỉnh tỷ lệ cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 79/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Nghị định 79/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/10/2021.

Đáng chú ý, Nghị định 79 sửa đổi khoản 1 Điều 21, tỷ lệ cho vay lại đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể, địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi. Quy định cũ tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi .

Điều chỉnh tỷ lệ cho vay lại vốn ODA từ ngày 1/10.
Điều chỉnh tỷ lệ cho vay lại vốn ODA từ ngày 1/10.

Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi, trong khi quy định cũ tỷ lệ cho vay lại là 40% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trừ TP. Hà Nội và TP. HCM, tỷ lệ cho vay lại là 70% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Đối với TP. Hà Nội và TP. HCM, tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Đối với một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ cần hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 01/4/2021 sẽ do Chính phủ quyết định tỷ lệ cho vay lại, nhưng không thấp hơn 10%.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 về bảo đảm tiền vay. Cụ thể, trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại doanh nghiệp và bằng 100% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong quá trình thực hiện khoản vay lại, trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn so với mức quy định nêu trên, bên vay lại có trách nhiệm bổ sung tài sản đảm bảo tiền vay nhằm đảm bảo mức tối thiểu.

Được biết, việc quản lý hoạt động cho vay lại vốn ODA đóng vai trò quan trọng, nhằm đảm bảo sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, có hiệu quả và hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, hoạt động cho vay lại vốn ODA đang bộc lộ những hạn chế nhất định.

Cụ thể, giá trị giải ngân chưa đúng kế hoạch, một số dự án cho vay lại quá hạn, không trả được nợ, phải chuyển thành nợ trực tiếp của Chính phủ, nhiều khoản vay không đem lại hiệu quả… Vì vậy, cần xây dựng và nâng cao năng lực quản lý nợ của địa phương để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi nguồn vốn ODA, vốn ưu đãi nước ngoài ngày càng hạn hẹp và chuyển sang vay theo điều kiện thị trường.

 

Trong giai đoạn 2011-2019, cho vay lại vốn ODA có sự chuyển biến tích cực. Tổng số vốn vay về cho vay lại giải ngân từ nhà tài trợ nước ngoài khoảng 12,5 tỷ USD, trung bình khoảng 1,4 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 33-35% tổng số giải ngân vốn vay nước ngoài hàng năm của Chính phủ.

Tuy nhiên, số vốn ODA cho vay lại giải ngân có nhiều biến động. Từ 1,29 tỷ USD năm 2011 tăng lên 2,32 tỷ USD năm 2014 và giảm dần xuống 0,72 tỷ USD năm 2018 và 0,41 tỷ USD năm 2019. Riêng năm 2019, tổng mức vay về cho vay lại năm 2019 giá trị giải ngân cả năm chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch.