04:29 10/12/2007

Tự “bảo hiểm” cho giá xăng dầu

Petrolimex đang nghiên cứu để xây dựng một phương án nhập khẩu tự “bảo hiểm” giá cho xăng dầu

"Trung bình trong 10 ngày qua, Petrolimex vẫn lỗ xấp xỉ 30 tỷ đồng/ngày, trong đó riêng xăng đã lỗ gần hai tỷ đồng."
"Trung bình trong 10 ngày qua, Petrolimex vẫn lỗ xấp xỉ 30 tỷ đồng/ngày, trong đó riêng xăng đã lỗ gần hai tỷ đồng."
Chỉ sau ít ngày liên bộ Tài chính - Công thương cho phép tăng giá xăng dầu thì giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm dần.

Ngay sau đó, dư luận đã xôn xao về việc liệu giá xăng dầu trong nước có giảm theo. Báo giới đã có buổi trao đổi để làm rõ về vấn đề này với ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, đơn vị cung ứng 60% nhu cầu xăng dầu cho cả nước.

Giữ ổn định khi giá thế giới biến động

Thưa ông, giá dầu thô thế giới đang giảm dần, liệu điều đó có ảnh hưởng gì đến giá xăng dầu của Petrolimex hiện nay hay không?

Đúng là hiện nay giá dầu thế giới đã giảm dần thêm so với thời điểm xăng dầu được phép tăng giá.

Thế nhưng trung bình trong 10 ngày qua, Petrolimex vẫn lỗ xấp xỉ 30 tỷ đồng/ngày, trong đó riêng xăng đã lỗ gần hai tỷ đồng. Hiện giá mua thành phẩm của xăng 92 là 92,48 USD/thùng, xăng 95 là 100,29 USD/thùng, dầu là 110,69 USD/thùng.

Hơn nữa, đánh giá việc kinh doanh phải có một chu kỳ, một khoảng thời gian nhất định. Chúng ta không thể làm theo kiểu thấy giá dầu thế giới tăng thì lập tức tăng theo và ngược lại. Trước tiên, các doanh nghiệp phải có động thái theo dõi trong vòng từ nửa tháng tới một tháng. Nếu sau một thời gian, giá không tăng nữa mà lại hạ xuống thì các doanh nghiệp sẽ vẫn giữ nguyên giá và lấy lãi của hiện tại bù lỗ cho những ngày trước đó.

Ngược lại, nếu giá dầu giảm thì cũng không thể vì thế mà giảm ngay được. Tất cả phải có một lộ trình rất rõ ràng giống như trên. 

Vậy Petrolimex có giải pháp nào để vừa có thể đảm bảo bình ổn giá xăng dầu trong nước lại vừa tránh được tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào giá thị trường thế giới? 

Phía Petrolimex đã chủ động tăng cường các biện pháp đồng bộ để đảm bảo nguồn, đa dạng đối tác bán hàng kết hợp các phương thức để đảm bảo an toàn nguồn nhập. Ngoài ra còn có các giải pháp để đảm bảo nguồn ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu.

Đặc biệt, Petrolimex đang nghiên cứu để xây dựng một phương án nhập khẩu tự “bảo hiểm” giá cho xăng dầu. Nhưng phương án này còn phải xem có được Chính phủ đồng ý hay không nữa.

Thế mạnh của phương án tự bảo hiểm giá này là đảm bảo được yếu tố ổn định dù giá trên thị trường thế giới biến động. Cụ thể, Petrolimex sẽ tính toán và đề xuất mua một giá cụ thể với khách hàng (nước cung cấp dầu) trong suốt sáu tháng. Sau đó, giá thị trường có tăng thì khách hàng vẫn cung cấp giá bán cho mình như cũ. Như vậy, giá trong nước vẫn ổn định mà không bị ảnh hưởng theo đà leo thang của dầu thô thế giới như trong thời gian qua.

Tuy nhiên, khi giá dầu thô hạ nhiệt thì chúng ta cũng vẫn phải chấp nhận mua với giá đã làm bảo hiểm. Chính vì vậy, để làm được phương án bảo hiểm giá này hay không thì phải có tính pháp quy và có các văn bản cam kết từ phía nhà nước.

Cấm tiếp tay cho việc xuất lậu qua biên giới

Nếu giá chúng ta ổn định dù giá thế giới tăng thì ông có tính đến việc xăng dầu Việt Nam bị “chảy máu” qua biên giới không? 

Thực ra việc buôn bán lậu xăng dầu không phải đến giờ mới xảy ra mà nó đã được cảnh báo từ rất lâu rồi. Petrolimex sẽ nghiêm túc thực hiện quy định của Nhà nước bằng cách cấm nhân viên bán hàng vào can hay các phương tiện vận chuyển để tiếp tay cho việc xuất lậu biên giới.

Cụ thể như năm ngoái ở Tây Ninh, một cửa hàng của Petrolimex đã bán cho một trường hợp không đúng theo quy định của Nhà nước là bán vào can. Và ngay sau đó, Tổng công ty đã có xử lý bằng cách chấm dứt hợp đồng lao động với cửa hàng trưởng này. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đề nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường kiểm tra các khu vực giáp ranh biên giới để tránh tình trạng kinh doanh kiểu gian lận đang diễn ra, làm thất thoát ngân sách của Nhà nước.