00:31 18/07/2019

Tự chủ đại học phải "cởi trói" cơ chế mới xóa bỏ được trì trệ

Nhật Dương

Tự chủ đại học về bản chất phải là chính sách "cởi trói" về mặt cơ chế, để các trường nâng cao chất lượng, xóa bỏ rào cản quan liêu, bao cấp trì trệ

Tự chủ đại học đã "cởi trói" cho các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh minh họa.
Tự chủ đại học đã "cởi trói" cho các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh minh họa.

Những vướng mắc trong thực hiện tự chủ đại học là nội dung được nhìn nhận thẳng thắn tại hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ngày 17/7.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. 

Cho rằng, tự chủ đại học là điều tất yếu trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đưa ra quan điểm, cần nhìn nhận tự chủ giáo dục đại học là một thị trường, mà thị trường ấy muốn phát triển được thì phải có môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, vấn đề cốt yếu là tính minh bạch.

Minh bạch trước hết từ chính việc theo dõi, đánh giá tình trạng có việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên. Bởi, theo TS. Hoàng Minh Sơn, điều này sẽ góp phần tạo chất lượng kiểm định cho trường, song quan trọng hơn cả là đánh giá được "sản phẩm" đào tạo của mình liệu có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không.

Cũng đánh giá cao vai trò của tự chủ đại học, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Đình Đức khẳng định, bản chất của tự chủ đại học phải là chính sách "cởi trói" về mặt cơ chế mới giúp các trường nâng cao chất lượng, xóa bỏ được các rào cản quan liêu, bao cấp trì trệ.

"Vì lẽ đó, mỗi trường cần xây dựng kế hoạch, lộ trình tự chủ cũng như phải mạnh dạn hội nhập, tham gia xếp hạng. Bởi, nếu trường có chất lượng, tạo công ăn việc làm tốt và có thứ hạng cao thì chắc chắn việc tuyển sinh sẽ thuận lợi", ông Đức khẳng định.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, thực tế hiện nay việc tự chủ của các trường đang có sự phân hóa khác nhau, với những trường top trên và có đội ngũ lãnh đạo, giảng viên tốt, uy tín cao thì thực hiện tự chủ dường như là dễ dàng hơn so với các trường ở top dưới. Do đó, các ý kiến đồng thuận cho rằng, đây là vấn đề cần hết sức lưu ý khi thực hiện tự chủ, điều quan trọng là các trường cần sớm kiện toàn hội đồng trường, rà soát lại hệ thống quy chế, đặc biệt, chú trọng khâu hậu kiểm.

Trước những băn khoăn của các trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho biết, hiện nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được Bộ này trình Chính phủ xem xét và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành các đề án sắp xếp cơ sở giáo dục đại học, đào tạo giáo viên; rà soát, chỉnh sửa, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, Bộ cũng nhấn mạnh, chính các các trường đại học tự chủ cần nâng cao năng lực quản trị đại học, phải xác định đây là yếu tố then chốt, thúc đẩy sự phát triển của cả nền giáo dục đại học có chất lượng.

Liên quan đến công tác hậu kiểm và đảm bảo chất lượng trong tự chủ đại học, Thứ trưởng Lê Hải An cho biết thêm, sắp tới Bộ này cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học về chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo, liên kết đào tạo, đảm bảo để tự chủ đại học thực chất và hiệu quả.