06:02 21/04/2021

Tự chủ học phí: Chất lượng giáo dục phải tương xứng với mức thu

Thanh Xuân

Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật

Không tăng học phí nhằm giảm gánh nặng về tài chính đối với phụ huynh và học sinh
Không tăng học phí nhằm giảm gánh nặng về tài chính đối với phụ huynh và học sinh

Việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế để đảm bảo tính liên tục của quy định pháp luật và có căn cứ pháp lý cho các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện từ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo.

Chia sẻ thông tin về dự thảo này, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.

MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHÍNH SÁCH

Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và tác động đến thu nhập của người dân. Việc giữ nguyên mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh là điều cần thiết.

Liên quan dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Lãnh đạo Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đang hết sức cân nhắc việc có tăng học phí năm học  2021-2022 hay không? Tinh thần chung là chấp hành chủ trương "không tăng học phí" của Bộ và Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn với sinh viên do Covid-19".

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội, tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội. Tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.

Bên cạnh các chính sách mới, các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định, khác tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP vẫn được giữu nguyên cho giai đoạn từ năm học 2021-2022 về sau.

QUY ĐỊNH MỨC TĂNG HỌC PHÍ TỐI ĐA

Ngoài việc giữ nguyên các quy định tự chủ về quyết định mức thu học phí, công khai mức thu học phí của các trường dân lập, tư thục như tại Nghị định 86, dự thảo còn bổ sung các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với xã hội.

Cụ thể như chất lượng giáo dục đào tạo phải tương xứng với mức thu học phí. Quy định mức tăng học phí tối đa mỗi năm học không quá 10% đối với giáo dục mầm non, phổ thông và không quá 15% đối với đào tạo đại học.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: đối với đào tạo đại học, việc tăng mức học phí tối đa chưa có căn cứ khoa học. Tại sao không ít hơn hoặc nhiều hơn 15%? Tại sao công tác đào tạo không huy động thêm những nguồn lực khác mà cứ phải dựa vào nguồn thu chính từ học phí? Đây vẫn là vấn đề được quan tâm.

Dự thảo Nghị định lần này còn quy định đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần do Nhà nước quy định.

Các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2-2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.

Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật. Thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các trường ngoài công lập theo quy định hiện nay tại Nghị định 86 được tự quyết định mức thu học phí. Phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.