02:06 05/01/2008

Từ nghệ sĩ xiếc thành doanh nhân xiếc

Minh Tuấn

Guy Laliberté đã giúp Cirque du Soleil có nhiều khoản kếch xù và tầm ảnh hưởng lớn tới nghệ thuật xiếc của thế giới

Guy Laliberté được cả thế giới biết tới là một trong những doanh nhân thành đạt và giầu nhất thế giới với khối tài sản cá nhân ước tính lên tới 1,4 tỷ USD.
Guy Laliberté được cả thế giới biết tới là một trong những doanh nhân thành đạt và giầu nhất thế giới với khối tài sản cá nhân ước tính lên tới 1,4 tỷ USD.
Trên con đường chinh phục nghệ thuật, Guy Laliberté từng bước tiến vào kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp Cirque du Soleil và gặt hái được nhiều thành công rực rỡ.

Tới nay, bên cạnh danh tiếng của một nhà tổ chức các chương trình xiếc quốc tế hàng đầu Québec và khu vực, Guy Laliberté còn được cả thế giới biết tới là một trong những doanh nhân thành đạt và giầu nhất thế giới với khối tài sản cá nhân ước tính lên tới 1,4 tỷ USD.

Từ một nghệ sỹ đường phố, bằng ý chí quyết tâm, tinh thần ham học hỏi và lòng yêu nghề, Guy Laliberté không những giúp Cirque du Soleil thực hiện những chương trình biểu diễn tầm cỡ cùng những giải thưởng danh giá mà ông còn là yếu nhân tạo mang lại cho doanh nghiệp nhiều khoản lợi nhuận kếch xù và tầm ảnh hưởng lớn tới nghệ thuật xiếc của thế giới.

Theo số liệu thống kê năm 2006, với tổng số nhân viên 3.800 người, tầm hoạt động ở 40 quốc gia trên thế giới từ Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản,... và tổng thu nhập bình quân hàng năm khoảng 600 triệu USD, Cirque du Soleil vươn lên vị trí một trong những doanh nghiệp nghệ thuật xiếc hàng đầu Québec và thế giới.

Nghệ sĩ xiếc đường phố

Guy Laliberté sinh ngày 2/9/1959 trong một gia đình bình thường tại Quebec City, Quebec, Canada. Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình bình thường nhưng từ khi còn nhỏ, Guy Laliberté được bố mẹ tạo điều kiện cho học thêm về nhạc lý và một số kiến thức cơ bản về Piano.

Cả ở bậc tiểu học hay trung học, cậu tỏ ra rất có năng khiếu với nghệ thuật, dành phần lớn thời gian học thêm về các loại nhạc cụ truyền thống như đàn xếp, đàn acmônica. Khi mới 14 tuổi, Guy Laliberté rời gia đình để tham gia vào một nhóm nhạc đường phố La Grande Gueule hàng ngày biểu diễn tại các nơi công cộng và kiếm tiền.

Năm 1977, vừa tròn 18 tuổi, cảm thấy tự tin về khả năng biểu diễn âm nhạc của mình và một số ít nhạc cụ gồm 2 chiếc đàn ắccoc, một chiếc đàn óoc, một chiếc đàn loa nhỏ cùng một số tiền chưa tới 1.000 USD, chàng thanh niên mang tên “tự do” bắt đầu chuyến hành trình vòng quanh châu Âu.

Sau hai năm, tích lũy được một số kinh nghiệm biểu diễn và học thêm được một số tiết mục nghệ thuật mang đậm văn hoá của các nước, Guy Laliberté quay về Canada và xin vào làm công nhân tại nhà máy thuỷ điện tại James Bay với ý nghĩ sẽ trở về với cuộc sống đời thường. Mặc dù vậy, chỉ được đúng 3 ngày, vì một vụ tai nạn, Guy Laliberté đã phải nghỉ việc và gia nhập gánh xiếc lưu động Les Echassiers De Baie-Saint-Paul của Gilles Ste-Croix.

Guy Laliberté và Gilles Ste-Croix nhanh chóng trở thành những người bạn biểu diễn ăn ý và có nhiều điểm chung về nghệ thuật. Hai người từng thực hiện ý tưởng xây dựng chương trình lễ hội đường phố lớn mang tên La Fete Foraine, tuy nhiên, chương trình bị thất bại thảm hại và đoàn lưu diễn gần như tan rã.

Không chùn bước trước những khó khăn đó, năm 1984, Guy Laliberté cùng Gilles Ste-Croix di chuyển tới Montreal và thành lập lên đoàn biểu diễn mới mang tên Cirque du Soleil. Và cơ hội lần đầu tiên đã tới khi Québec tổ chức lễ hội kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trong đó các chương trình xiếc nằm là danh mục không thể thiếu.

Tranh thủ cơ hội này, bằng những ý tưởng độc đáo của mình và có tính khả thi của mình, Laliberté đã thuyết phục được Chính phủ chi 1 triệu USD để dàn dựng chương trình phục vụ lễ hội. Hoàn thành chương trình đầu tiên đó, Laliberté chỉ thu được khoản lợi nhuận nhỏ khoảng 40.000 USD nhưng điều quan trọng mà ông làm được cho Cirque du Soleil là tạo được dấu ấn ban đầu trước khán giả Québec.

Kiến tạo thương hiệu Cirque du Soleil

Liên tục ba năm sau đó, dưới sự điều hành của Laliberté, Cirque du Soleil thực hiện hàng loạt các chương trình lưu diễn trên khắp 13 tỉnh thành Québec, từ các khu vực thành thị tới nông thôn. Tới đầu thập niên 80, một số nhà tổ chức nghệ thuật của Mỹ bắt đầu biết tới Cirque du Soleil và tìm tới Laliberté ký kết một số bản hợp đồng lưu diễn nhỏ.

Sau chương trình lưu diễn tại Mỹ, mặc dù có được một số thành công cùng một số khoản lợi nhuận nhưng hầu hết các tiết mục đều chỉ được đánh giá ở mức độ trung bình. Cũng vì những lí do tương tự như vậy mà trong giai đoạn đầu, có những tour diễn lớn được tổ chức rất quy mô mà không thu hút được lượng khán giả như dự tính, Cirque du Soleil phải chịu khoản thua lỗ lên tới hàng trăm nghìn đôla. Thêm vào đó, một số nghệ sĩ giàu kinh nghiệm vì nhiều lí do bắt đầu rời Cirque du Soleil đã tạo lên những xáo trộn không nhỏ.

Đứng trước những khó khăn đó, Laliberté bắt tay vào chương trình cải tổ tổng thể Cirque du Soleil và chuẩn bị cho chiến lược phát triển Cirque du Soleil. Laliberté dốc sức vào chuyển đổi cơ cấu gánh xiếc nhỏ Cirque du Soleil trước đây thành một mô hình doanh nghiệp kinh doanh nghệ thuật giải trí.

Thông qua các mối quan hệ với Truờng xiếc Trung ương National Circus School, Laliberté tuyển về nhiều sinh viên trẻ tài năng mới tốt nghiệp về cho Cirque du Soleil. Đặc biệt trong số những thành viên mới, Laliberté còn mời về cả Giám đốc Guy Caron về chỉ đạo nghệ thuật, giảng viên Franco Dragone từng có kinh nghiệm làm việc tại Bỉ về phụ trách khâu huấn luyện.

Cùng với đó, Laliberté còn thuê về nhà quản lí tài năng Daniel Lamarre có quan hệ rất rộng về phụ trách mảng quản lí tài chính kiêm xây dựng hợp đồng cho doanh nghiệp. Nhờ những chương trình cải tổ đó, Laliberté giúp Cirque du Soleil có được một nền tảng vững chắc và nhanh chóng khuyếch trương hoạt động ra cả thị trường trong và ngoài nước.

Nắm trong tay một đội ngũ nhân viên tài năng, Laliberté tiến hành chương trình vừa cạnh tranh nhưng cũng vừa nghiên cứu học tập, du nhập phương pháp quản lí, cách thức xây dựng nội dung chương trình kịch xiếc của Nga thành những câu chuyện kể mang những phong cách đặc trưng cho Cirque du Soleil.

Mang Cirque du Soleil đến với thế giới

Không dừng lại ở những gì đã đạt được, thông qua các văn phòng đại diện và đội ngũ những nhân viên chuyên trách có kinh nghiệm về lĩnh vực marketting, Laliberté tiếp tục hướng tầm mắt ra thị trường ngoài nước với nhiều bản hợp đồng biểu diễn quy mô lớn.
Trọng tâm của chiến lược hướng ngoại là các trung tâm giải trí lớn của thế giới, vì vậy, Laliberté mạnh dạn đầu tư những khoản tài chính lớn vào thực hiện bằng được mục tiêu này.

Dưới sự định hướng của Laliberté, chỉ cần một đầu mối đứng chân tại Montreal, Quebec, Canada, cánh tay của Cirque du Soleil lần lượt vươn tới những trung tâm giải trí, casino hàng đầu thế giới như Las Vegas, Orlando, Florida, New York, Macao, Tokyo, Dubai...Những chương trình xiếc của Cirque du Soleil luôn thu hút được rất đông khán giả theo dõi, thậm chí có những chương trình lượng khán giả lên tới 60 triệu người.

Nhằm khẳng định đẳng cấp cho thương hiệu Cirque du Soleil, trong các giải thi đấu lớn trên đấu trường thế giới như Maxcơva hay Monte-Carlo, Guy Laliberté tập trung xây dựng nhiều chương trình đặc sắc tới tham gia. Trong các cuộc đua tài đó, Cirque du Soleil từng đoạt không ít những giải thưởng lớn như Gemini Awards, Primetime Emmy Award, Clown d’Or award, Entertainment Design Awards...

Bước vào thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, sức lan toả của thương hiệu Cirque du Soleil ngày càng trở lên mãnh liệt hơn. Các chương trình của Cirque du Soleil còn trở thành một trong những sản phẩm có sức tiêu thụ mạnh nhất đối với các hãng phim ảnh, truyền thông của thế giới.

Tranh thủ thế mạnh đó, Laliberté mang về cho Cirque du Soleil nhiều chương trình hợp tác với các hãng phim lớn như Walt Disney, Fuji Television Network, Columbia Pictures.

Tới nay, trải qua hơn 20 năm lao động miệt mài, bằng khả năng nhìn xa trông rộng cùng tấm lòng say mê nhiệt huyết với nghề, Guy Laliberté đã biến gánh xiếc nhỏ Cirque du Soleil trước đây thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới với tổng thu nhập tính riêng trong năm 2006 lên tới 43,3 tỷ USD, với số lượng nhân viên lên tới 3.800 người và tầm ảnh hưởng trên phạm vi thế giới.